Blog

Núi tây thiên

Nằm cùng tuyến đường đi núi Tam Đảo, núi tây thiên là một trong những địa danh hấp dẫn của Vĩnh Phúc. Nhờ có tuyến cáp treo lên đến đỉnh mà ngày nay chỉ trong một ngày bạn cũng có thể khám phá hết nơi này.

Nằm trên sườn núi Thạch Bàn thuộc dãy Tam Đảo, cách Hà Nội khoảng một giờ lái xe, núi tây thiên là một vùng sơn thuỷ hữu tình với hệ động thực vật phong phú và khí hậu quanh năm dịu mát. Chính vì thế nên bạn có thể du lịch Tây Thiên Tam Đảo vào bất kì thời điểm nào trong năm, mỗi mùa là một trải nghiệm không giống nhau.

Nếu đi núi tây thiên vào mùa xuân, bạn sẽ được trẩy hội để cầu tài, cầu lộc cho cả năm may mắn và tham gia nhiều hoạt động văn hoá độc đáo. Du lịch Tây Thiên Tam Đảo vào mùa hè bạn sẽ được tận hưởng không khí thanh bình, tịnh tâm và được dự lễ sám hối tại thiền viện. Đi vào mùa thu hoặc mùa đông để hít thở không khí trong lành của núi rừng. Mỗi mùa có một nét đặc sắc riêng nên bạn có thể đến đây vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.

Từ Hà Nội đến Tây Thiên đường rất đẹp, ô tô có thể đến tận chân cổng chính trên những làn đường rộng rãi. Từ đây bạn có thể chọn cách đi bộ vãn cảnh hoặc đi xe điện vào điểm đầu tiên là đền Thõng.

Toàn bộ công trình từ ngoài cổng chào vào đến đền Thõng là những công trình đồ sộ đáng kể của khu du lịch. Ngay từ phía ngoài đã cảm thấy sự uy nghi của núi Tây Thiên.

Cổng khu du lịch Tây Thiên có rất nhiều xe ôm mời khách để đưa vào khu vực xe điện ngay sau đền Thõng bằng đường mòn phía ngoài, giảm bớt công đoạn đi bộ. Nhưng khi mới đến, bạn nên đi bộ sẽ thú vị hơn rất nhiều, do con đường dẫn vào khá đẹp và cực kỳ thoáng với những hàng cột đá chạm rồng đứng hai bên.

Khoảng cách đi bộ cũng không lấy gì làm xa lắm, trừ phi lúc quay ra nếu trời quá nắng bạn có thể chọn xe ôm. Con đường dẫn vào từ cổng này nếu đứng từ trên Thiền Viện Trúc Lâm nhìn xuống nó sẽ là hình một cây vĩ cầm nằm giữa đất trời rất nên thơ.

Đền Thõng được coi là đền Trình của Tây Thiên có từ rất lâu đời và được tu bổ lại như ngày nay. Đền nằm sau một gốc đa cổ thụ với nhiều nhánh xuyên xuống đất khá đặc biệt.

Từ những gốc đa cho đến những tán đa đều biểu lộ một sức sống mãnh liệt lâu đời. Mỗi một thân rễ của cây bám xuống đất to ngang một thân một loài cây khác, còn những nhánh phía trên các cành xuyên vào nhau như thể những chiếc thang bắc lên trên ngọn.

Đền Thõng là cửa ngõ dẫn lên đền Thượng, khu xe điện nằm ở phía sau của đền này. Người ta nói rằng tại đền còn lưu giữ một bia đá 4 mặt từ năm Bảo Thái thứ 5 (1723) ghi nhận nơi đây là Tam Đảo linh sơn, một quả chuông đúc vào năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) và những khánh đồng, hoành phi, câu đối….

Cửa vào đền Thõng qua những khoảng sân rộng, những khu nhà sắp lễ. Ngoài sân đền trồng hoa đại thơm ngát một vùng. Sau khi lễ đền này bạn đi bộ ra phía sau là đến bến xe điện.

Những chiếc xe điện nhỏ sẽ đưa bạn vào ga cáp treo Tây Thiên trên một con đường được đầu tư sạch đẹp. Con đường này vốn chạy dọc theo đường suối leo bộ của Tây Thiên cũ. Từ ga cáp treo bạn phải quyết định lựa chọn sẽ đi đường leo bộ hay đi lên bằng cáp. Nếu đi cáp treo khứ hồi cả 2 chiều, bạn sẽ bỏ qua thác Bạc Tây Thiên là điểm rất đẹp. Nếu leo bộ cả 2 chiều lên xuống đòi hỏi sức khỏe của bạn phải rất tốt vì chặng đường bộ từ thác Bạc lên đến đỉnh núi rất dốc. Để trải nghiệm hết cách tốt nhất là đi cáp lên đỉnh sau đó đi bộ xuống để qua thác Bạc. Đường đi bộ xuống vì những đoạn đầu đỉnh núi bậc thang khá cao nên nếu có một chiếc gậy sẽ dễ đi và an toàn hơn.

Chặng đường đi bộ từ dưới lên là một con đường lát đá chứ không phải đường đất như nhiều năm trước đây. Dọc theo con đường này là dòng suối Tây Thiên có nguồn chảy từ đỉnh núi. Đường đi rất nhiều cây cối nên những ngày mưa ẩm ướt bạn nên mặc quần áo dài để tránh muỗi đốt.

Sau khoảng tầm nửa tiếng đi bộ bạn sẽ đến thác Bạc. Đoạn từ dưới ga cáp treo lên thác Bạc dễ đi, đường khá bằng không dốc dựng như đoạn sau. Do vậy nếu bạn lười leo bộ lên đền mà vẫn muốn đến thác Bạc chơi bạn có thể lên thác sau đó quay lại ga cáp treo đi vé khứ hồi. Tuy nhiên như vậy sẽ tốn thêm 1 lần kinh phí.

Ngọn thác này, người dân vẫn nói là có 5 tầng, đổ từ tầng 5 xuống tầng 1, là một đoạn trong con suối dài chảy từ đỉnh Tây Thiên xuống chân núi. Thực ra, thác nước cao nhất là thác nước trên đỉnh núi, nhưng chỉ khi ngồi cáp treo bạn mới có thể nhìn thấy thác nước cao đến cả trăm mét này. Còn thác Bạc thăm quan ở đây là các cụm thác thấp, nhưng khá đẹp.

Bạn có thể dành thời gian ngồi đây chơi và nghỉ ngơi sau chặng đường leo thứ nhất. Bọt nước từ thác tung lên phả vào không khí rất mát. Nếu một chuyến đi Tây Thiên với hình thức dã ngoại nhiều hơn là đi lễ thì chắc chắn không thể bỏ qua điểm này.

Sau khi chơi ở thác Bạc xong, nếu bạn cả tắm thác nữa thì sẽ khá mệt. Chặng đường leo tiếp theo từ thác Bạc lên đỉnh núi mới thực sự là thử thách. Tuy không quá xa nhưng bạn sẽ phải nghỉ nhiều lần vì độ dốc. Chính vì vậy nếu quyết tâm leo bộ thì bạn phải giữ sức khi chơi ở thác và trước khi rời thác để leo lên cần phải chuẩn bị nước uống dọc đường vì những ngày không phải mùa lễ hội hàng quán sẽ không nhiều.

Khi bạn lên đến nơi thì cũng đủ các dịch vụ phục vụ khách du lịch, kể cả tắm nóng lạnh. Mọi thứ trên đỉnh núi đều khang trang và khá tấp nập.

Nếu xét về đi lễ tâm linh, những điểm dừng chân của Tây Thiên gồm có Đền Thõng, đền Cậu (gần ga cáp treo dưới), đền Cô (gần ga cáp treo phía trên), đền Mẫu hay còn gọi là đền Thượng (thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu, vương phi của vua Hùng thứ 7), đền cô Chín, Tam Tòa Thánh Mẫu, đền Mẫu Thượng Hoàng Thiên, khu mộ cổ Thiền Sư, bàn cờ tiên là điểm đến cuối cùng.

Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu là người đã cùng Vua hùng mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn, dạy dân trồng lúa, giữ lửa trong buổi bình minh của dân tộc, xây dựng một đất nước thái bình thịnh trị. Với những công lao đó Bà được sắc phong là Quốc Mẫu Tây Thiên và được thờ chính tại Đền Thượng trên đỉnh núi Thạch Bàn. Sau khi mất bà vẫn thường hiển linh giúp các đời vua Hùng sau giữ nước, vì thế Bà đã được suy tôn danh hiệu “Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu Tối Linh Đại Vương – Thượng Đẳng Phúc Thần”. Bên cạnh Đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên là những ngôi đền các vị mẫu thần cai quản trời, đất, núi, rừng như Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Thoải, Mẫu Thượng Địa và Mẫu Thượng Ngàn

Bí ẩn nhất có lẽ là Tịnh thất Tây Thiên gần đền Cô, cách một lối rẽ trong rừng, qua các khe suối nhỏ, các gốc cây bám rễ sâu vào lòng đất là sẽ tới. Cảnh vật nơi đây tinh khôi, nguyên sơ và u tịch. Tịnh thất Tây Thiên ban đầu chỉ là một thảo am nhỏ của ba sư cô trẻ ẩn tu, sau đó phát triển rộng rãi theo pháp môn Mật tông Tây Tạng của dòng truyền thừa Drukpa nhưng chỉ nhận sư nữ. Dòng truyền thừa này đã có lịch sử trên 800 năm, qua 12 đời Pháp vương với vô số hành giả, trải rộng từ Á sang Âu. Đã có 12 vị ni sư Tây Thiên được cử đi cầu pháp, thọ học các nghi lễ và pháp tu Mật tông ở một ni viện tại Nepal. Mọi sinh hoạt và tu tập của chư ni đều do ba vị chức sự quản lý và điều hành dưới sự lãnh đạo của một sư bà, trong đó, một vị chịu trách nhiệm về nghi lễ và đời sống ni chúng, một vị chịu trách nhiệm về giáo dục và một vị chịu trách nhiệm về ngoại giao.

Để có thể xác định đúng vị trí các đền cần đến bạn nên tham khảo trước sơ đồ của núi tây thiên trước khi bắt đầu. Như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian và chủ động.

Trên đỉnh núi tây thiên, không khí tinh khiết, cây cối rêu phong, tiếng ve kêu khắp cả không gian.

Qua các đền thờ là sẽ đến Tây Thiên Cổ Tự, ngôi chùa cổ của Tây Thiên khi xưa. Không gian nơi đây thanh sạch, những chú bọ ngựa, những con bướm vẫn còn bám trên vách tường vách cửa. Ngay phía ngoài cửa là một cây tùng xanh mướt.

Sau cổ tự là khu mộ tháp. Sau khu mộ tháp là đường lên Bàn Cờ Tiên, một con đường nguyên bản từ ngày xưa của núi tây thiên với những lối mòn đất đá.

Bàn Cờ Tiên nằm trên 1 phiến đá rất to, trên đỉnh là một bàn cờ tướng được khắc chìm vào đá với 1 thân cây gân rễ bò khắp nơi.

Bàn cờ nay đã được đóng kín bằng một khay kính, phía sau có một hòm công đức rất to và phía trước là những bức tượng Quan Âm Bồ Tát.

Nếu bạn cần nghỉ ngơi, bạn có thể ra sân của khu nhà hàng Tây Thiên, bên dưới đền thờ thần núi Tam Đảo, nơi đây là nơi có view đẹp nhất vì có thể nhìn được không gian núi rừng Tam Đảo.

Bạn cũng có thể nhìn thấy không gian rộng hơn nữa và cả con suối của Tây Thiên, một lối leo lên khá nguy hiểm của núi tây thiên cũ, nếu bạn ngồi trên cáp treo đi xuống.

Thiền Viện cách Tây Thiên một đoạn rất ngắn, ô tô và xe máy đều lên được đến nơi. Tuy nhiên đường đi khá dốc và quanh co nên cần phải rất cẩn thận. Đứng từ trên Thiền Viện nhìn xuống xa dưới núi, bạn cũng có thể thấy chiếc cổng chào của Tây Thiên và con đường với hai bên dãy nhà xây để chờ cho thuê bán hàng. Thiền Viện là nơi tu tịnh không phải mục đích là để tham quan, nên bạn phải giữ ý thức khi viếng thăm.

Trên Thiền Viện, bạn có thể ngồi hàng giờ ngoài hành lang phía ngoài để cảm nhận núi rừng và không gian tĩnh tại của Phật. Nếu bạn đi lên rừng thông, hay các khu nhà tụng phía trên, bạn hãy đi nhẹ, nói khẽ.

Buổi sáng nếu bạn lên Tây Thiên bằng đường Quốc Lộ đi qua thị xã Phúc Yên mà không đi đường cao tốc Lào Cai, bạn nhớ rẽ vào đường Hương Canh thử món bánh hòn Hương Canh. Chợ bán ngay ngã ba Bình Xuyên gần bưu điện Bình Xuyên. Đây là loại bánh đặc trưng của địa phương này mà không nơi nào có.

Loại bánh này, trước đây khi chưa có máy móc đòi hỏi làm rất công phu, cần phải có một bàn tay khỏe mạnh của người đàn ông để nhào bột đúng kỹ thuật cho dẻo, và cần một bàn tay khéo léo của người phụ nữ để làm nhân bánh ngon và nặn bánh. Bánh hòn thường được ăn cùng với món cháo gọi là Cháo Se.

Ở Tây Thiên, ngoài Tây Thiên cổ tự là một cụm rất nhiều đền nên khá đông người đi lễ và hàng quán còn tràn lan. Nhưng nếu bạn muốn tìm nơi thanh tịnh bạn hãy đến Thiền Viện Tây Thiên ngay cạnh đó. Đứng ngay từ dưới chân cổng Tây Thiên, bạn đã nhìn thấy một ngôi chùa trên lưng chừng núi. Đó chính là Thiền Viện, một không gian cực kỳ tĩnh, nghe được cả tiếng đập cánh của con ong và mùi hương rừng bay khắp nơi.

Một ngày cuối tuần ở Tây Thiên, sẽ giúp bạn có thêm năng lượng cho tuần làm việc mới.

 

Hotline: 0347 362 775
Tư Vấn Online
Gọi: 0347 362 775