Leo núi yên tử cần chuẩn bị những gì?
Yên Tử là địa điểm du lịch tâm linh rất nổi tiếng ở Quảng Ninh. Quãng đường để leo núi yên tử dài hơn 6km với 6 giờ đi bộ liên tục qua hàng nghìn bậc đá, đường rừng núi… Vì vậy, bạn cần thể lực khá tốt và sự chuẩn bị kỹ càng. Bài viết sau đây sẽ chia sẻ với bạn những kinh nghiệm hữu ích khi leo núi yên tử. Mời bạn tham khảo
Chùa Yên Tử cách Hà Nội bao xa?
Từ Hà Nội nếu bạn di chuyển lên Yên Tử phải đi một quãng đường dài khoảng 130 km. Bạn có thể đi bằng ô tô khách hoặc xe máy, ô tô, các phương tiện cá nhân đều được.
Nếu bạn đi xe khách, bạn ra bến xe ở Hà Nội bắt các tuyến xe có lộ trình từ Hà Nội – Hạ Long như Kumho Viet Thanh, Đức Phúc, Ka Long, Văn Minh… đều đi qua Yên Tử. Trong một ngày bạn cũng có thể khám phá được vùng đất này nên bạn có thể đi từ 4h sáng. Thời gian di chuyển khoảng 4h đồng hồ. Lưu ý cho việc đi xe khách là bạn nên nói lái xe cho xuống ở đền Trình Yên Tử, rồi bạn bắt tiếp một tuyến xe bus ở ngay ngã 3 giao giữa quốc lộ 18 để đến chân núi Yên Tử.
Nếu bạn muốn di chuyển bằng phương tiện cá nhân thì cũng không quá khó khăn. Tuy nhiên, nếu bạn chưa rành đường đi thì có thể nghiên cứu kỹ một số cung đường sau đây:
Cung đường thứ nhất dài khoảng 119 km mất khoảng 2 tiếng rưỡi chạy xe máy:
Từ trung tâm thành phố Hà Nội bạn đi theo hướng cầu Chương Dương. Đi qua cầu bạn đi thẳng theo đường Nguyễn Văn Cừ rồi chạy tiếp đi thành phố Bắc Ninh. Sau đó bạn đi theo quốc lộ 18 hoặc đi theo quốc lộ 1A. Đến nút giao giữa 2 đoạn đường này thì bạn chạy theo quốc lộ 18.
Bạn chạy dọc theo quốc lộ 18 sẽ tới được đền Trình Yên Tử. Từ đây bạn có thể đi xe lên núi luôn hoặc dừng lại thắp hương. Chú ý tiếp nhiên liệu cho phương tiện. Tổng thể đoạn đường này cũng không khó đi nhưng bạn chú ý đoạn giao cắt giữa 2 quốc lộ 18 và 1A là được.
Cung đường thứ 2 bạn đi theo hướng Hà Nội – Hải Phòng:
Từ trung tâm thành phố Hà Nội bạn di chuyển theo quốc lộ 5 tới km 14 QL5 khoảng 94km là bạn đã đặt chân được đến khu vực Quán Toan (Hải Phòng). Từ đây, bạn đi thẳng và rẽ tay trái ở đoạn ngã 3 thứ nhất (rẽ phải là lên cầu, rẽ trái rồi đi thẳng) và rẽ trái tiếp ở đoạn ngã tư, tổng đoạn này 6km là bạn tới chân cầu Kiền.
Từ cầu Kiền bạn tiếp tục đi dọc theo QL10 để đến quốc lộ 18 rồi rẽ tay trái, đi khoảng 2km là tới đền Trình Yên Tử. Tới đây, bạn đi thẳng khoảng 10km đường đèo là đến chân núi. Lưu ý cho chặng đường này là đường đèo khá quanh co, nên đi chậm chú ý quan sát.
Thời gian đi du lịch chùa Yên Tử
Ở Yên Tử có lễ hội Xuân, thường được tổ chức hàng năm bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng và kéo dài hết tháng 3 (âm lịch).
Thời gian hợp lý là 1 ngày 1 đêm. Đi vào dịp lễ hội sẽ đông (nhất là những ngày tháng 1), còn những ngày khác Yên Tử vắng vẻ, yên tĩnh, không khí trong lành rất sảng khoái).
Thời gian phục vụ cáp treo:
Mùa lễ hội (từ tháng 1 đến tháng 3 Âm lịch): từ 5h đến 20h hàng ngày.
Ngoài mùa lễ hội (từ tháng 4 đến tháng 12 Âm lịch): Từ 7h đến 18h hàng ngày.
Những điểm tham quan ở Yên Tử:
Chùa Trình/đền Trình: nơi ghé vào trước khi lên Yên Tử
Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử: đây là nơi để tu học của các nhà sư và cư sĩ. Giống như trường đại học, đây không phải nơi thờ cúng nhưng bạn có thể ghé vào tham quan trước khi leo núi.
Cầu Giải Oan, chùa Giải Oan: nơi thờ các cung nữ, phi tần của vua Trần Nhân Tông. Vì quá yêu vua, muốn lên núi cầu xin vua trở lại triều đình không được, các bà đằm mình xuống suối tự vẫn.
Tháp Huệ Quang: nơi cất giữ một phần xá lị của vua Trần Nhân Tông, phần còn lại được thờ ở khu đền Trần ở Nam Định.
Chùa Hoa Yên: chùa trung tâm, lớn nhất khu di tích Yên Tử. Khi xưa là nơi Phật Hoàng giảng đạo.
Chùa Một Mái: nơi thờ Phật Quán Thế Âm, ở đây có khe nước uống rất mát
Chùa Bảo Sái: nơi Phật Hoàng nhập niết bàn
Chùa Vân Tiêu: nơi tu luyện của các vị tăng sỹ
An Kỳ Sinh và tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông: bức tượng của một vị tu sĩ hóa đá và bức tượng PHật Hoàng bằng đồng rất lớn (xem hình bên dưới)
Chùa Đồng: ngôi chùa cao nhất đỉnh núi
Thứ tự, lịch trình tham quan: Thiền viện – cầu Giải Oan – chùa Giải Oan – chùa Hoa Yên – chùa Một Mái – chùa Bảo Sái – An Kỳ Sinh và tượng Phật Hoàng – chùa Đồng – An Kỳ Sinh – chùa Bảo Sái (xuống cáp treo) – chùa Hoa Yên – chùa Giải Oan – xuống lại bãi gửi xe.
Quá trình phượt trekking
Yên Tử được nhớ tới trong trái tim của những con người Việt Nam không chỉ là một đỉnh núi cao ở vùng Đông Bắc mà là nơi khởi nguồn cho những câu chuyện mang đậm sắc màu Phật Giáo. Vậy nên hành trình trekking Yên Tử không chỉ còn là chinh phục mà còn là thỏa mãn đam mê mà là đi về xứ thiêng để cảm nhận trọn vẹn đạo và đời.
Đường leo núi yên tử dài gần 6000m từ chân núi lên đến đỉnh, và trên suốt quãng đường đi của mình, người ta phải vượt qua hàng ngàn bậc đá và dốc đá dựng đứng, đôi lúc gặp phải những đoạn đường trơn trượt, họ phải dùng tới gậy trúc để giữ thăng bằng. Nhưng dường như điều đó không hề khiến những kẻ hành hương phải nản lòng, họ cứ đi với một tấm lòng thành tâm và niềm tin mãnh liệt vào sự chở che của các đấng thần linh.
Và bắt đầu cuộc hành trình khám phá leo núi yên tử từ suối Giải Oan đến chùa Hoa Yên nằm ở độ cao 534m. Vượt qua chùa Hoa Yên một đoạn ngắn nữa thì có ngôi chùa Một Mái (hay có tên gọi khác là Bán Mái) tên chữ là Bán Thiên Tự (chùa nằm giữa lưng trời) nằm chênh vênh bám vào lưng vách núi. Và điểm đến cuối cùng là Chùa Đồng tọa lạc trên đỉnh Yên Tử cao 1.068 mét, được khởi dựng vào thời nhà Hậu Lê với tên gọi Thiên Trúc Tự.
Trên mỗi chặng đường, ta được chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên trữ tình của mùa xuân. Đâu đó là tiếng suối róc rách êm tai, là những cây cổ thụ với niên đại hơn 700 tuổi, được phủ một tầng rêu phong xanh ngắt, như một lão ông ngồi bình lặng giữa núi rừng. Đâu đó lại có những rừng trúc, đường Tùng cao vút xen lẫn màu trắng tinh khôi của hoa mơ. Tất cả vẽ nên một bức tranh xuân đầy sắc màu, nhưng cũng phảng phất cái phong vị thần bí, hoang sơ của một vùng đất thiêng.
Để rồi khi đặt chân lên đỉnh Yên Tử quanh năm mịt mù trong sương khói, chợt ngỡ ngàng khi được thiên nhiên trữ tình hòa quyện trong bầu khí tâm linh. Dạo bước ngắm cảnh, ngắm người, thấy lòng bình tâm đến lạ, mọi muộn phiền như gió thoảng mây bay.
leo núi yên tử cần mang theo những gì?
Theo kinh nghiệm leo núi yên tử từ những dân phượt đi trước những vật dụng, đồ dùng cần mang theo khi leo núi Yên Tử bao gồm:
– Tiền: Bạn không nên mang nhiều tiền theo chỉ cần đem số tiền vừa đủ dùng, tránh bị kẻ gian móc túi những ngày đông.
– Giày: Bạn nên đi giày thể thao (có thể là bata) hoặc giày leo núi thì càng tốt không nên đeo giày công sở. Vì đường leo rất khó khăn gặp phải trời mưa dễ bị trơn đặc biệt là các bậc thang đá, có đoạn leo đường mòn và bạn có thể gửi giày, thuê dép ở chân núi.
– Ba lô: Vì chỉ đi trong ngày nên bạn mang theo một ba lô nhỏ, gọn nhẹ để đựng ít đồ ăn, nước uống.
– Quần áo: Quần áo thì tùy vào mùa nhưng tuyệt đối không nên mặc quần áo quá sexy vì đây là nơi linh thiêng tốt nhất ăn mặc lịch sự. Bạn nên mang theo 1 hoặc 2 áo dự phòng, vì leo núi ra nhiều mồ hôi, nếu đi vào mùa lạnh thì cần thay áo, vì mặc áo ướt lại cảm lạnh. Không nên mặc jean, hay mặc đồ skinny (nếu mặc nên mặc loại co giãn thoải mái), tốt nhất vẫn là quần áo thể thao, không thấm mồ hôi. Mùa Lạnh thì vẫn phải mang áo ấm mặc ngoài, khi lạnh thì cởi ra mang theo, lúc đi cáp treo lạnh lại mặc. Những chiếc áo phao lông vũ nhẹ và ấm là sự lựa chọn tốt nhất cho bạn khi leo Yên Tử.
– Nước: Bạn nên mua trước 2 chai 500 ml hoặc một chai 1,5 lít mang theo uống dọc đường, vì nước trên núi bán đắt gấp nhiều lần.
– Đồ ăn: Bạn nên chuẩn bị một số loại đồ ăn nhẹ mang theo để ăn trưa như bánh mì sữa, bánh mì giò, xôi… Nếu không mang theo được bạn vẫn có thể ăn trưa trên núi với xúc xích, ngô, khoai, phở… tuy nhiên giá bán sẽ cao hơn bình thường.
– Gậy: Nếu bạn đi bộ nên mua một chiếc gậy tre dưới chân núi giá 5.000 đồng. Có cây gậy này bạn leo đỡ mất sức, đặc biệt khi xuống sẽ không bị đau khớp gối.
Những điều cần lưu ý khi đi leo núi yên tử
Đi Yên Tử vào dịp Tết thì nên đi từ rất sớm vì từ mùng 4 là du khách các tỉnh thành về du lịch Yên tử rất đông nên chờ đi cáp treo mất vài tiếng đồng hồ là bình thường. Thêm nữa là lên đến chùa Đồng sẽ không có chỗ chen chân mặc dù đường lên chùa Đồng không dễ dàng. Lúc xuống núi cũng sẽ rất đông chỗ ga cáp treo.
– Nên leo núi trước rồi xuống vãn cảnh chùa sau sẽ cảm thấy thư thả và thoải mái, lúc đi lên mệt chả có thời gian mà ngắm ngía. bạn sang bên chỗ nhà chùa còn được ăn bánh tét, bánh chưng chay miễn phí nữa.
– Tránh mua linh tinh dọc đường, lưu ý không nên chơi cờ thế, bài bạc, dễ bị lừa gạt và cảnh giác bị móc túi.
– Đừng vứt rác bừa bãi: Hãy bỏ rác đúng nơi quy định (có thùng rác) hoặc nhét vào balo để mang xuống chân núi bỏ vào thùng.
– Đến rừng tùng, đừng dẵm lên gốc cây: lên đến giữa núi bạn sẽ đi qua một đoạn đường tùng quý tuổi thọ 900 – 1000 năm tuổi, gốc rễ của những cây tùng này ăn lên cả mặt đất. Đừng dẵm lên nó, mỗi năm có đến hàng triệu lượt người, chỉ cần mỗi người dẵm lên 1 lần thì tuổi thọ của những cây tùng này giảm rất nhiều. Hãy bảo vệ di sản!
– Cẩn thận đoạn lên chùa đồng: đoạn đường cuối này không có bậc thang, bạn nên cẩn thận vào những ngày trời mưa các tảng đá dễ trơn trượt.
Trên đây là tổng hợp một số kinh nghiệm cho các bạn chuẩn bị leo núi yên tử, giúp các bạn có chuyến đi trọn vẹn và ý nghĩa hơn. Chúc các bạn có chuyến đi vui vẻ nhé!