Blog

Kinh nghiệm du lịch đền hùng

Đền Hùng là một quần thể du lịch đền chùa nổi tiếng ở Phú Thọ, là nơi tập hợp những giá trị tinh hoa và đặc sắc của dân tộc. Đặc biệt vào dịp Giỗ tổ hàng năm, nơi đây thu hút một lượng lớn khách du lịch tới làm lễ, dâng hương. Sau đây là những kinh nghiệm du lịch đền hùng được tổng hợp để các bạn có một chuyến du lịch khám phá vùng đất Tổ trọn vẹn nhất!

Giới thiệu về Đền Hùng

Đền Hùng thực chất tên gọi viết tắt của quần thể du lịch đền chùa thờ phụng các vua Hùng và tôn thất của nhà vua trên núi Nghĩa Lĩnh, ngày nay thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đền Hùng là khu di tích đặc biệt của quốc gia được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng vào năm 1962. Ngày 6 tháng 12 năm 2012, UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Cứ vào ngày mùng 10/3 hàng năm là ngày Giỗ tổ của các vị vua Hùng, Khu di tích Đền Hùng lại tổ chức rất nhiều các hoạt động, lễ hội như Lễ rước kiệu vua, lễ dâng Hương quy tụ sự tham gia của rất nhiều người dân từ mọi miền Tổ Quốc để bày tỏ lòng thành với các vị vua xưa. Nét văn hóa độc đáo này đã trở thành một phần đặc biệt không thể thiếu trong đời sống tâm linh của con người Việt Nam:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mùng 10 tháng 3”

 

Thời điểm thích hợp để du lịch đền Hùng – kinh nghiệm du lịch đền hùng

Thời điểm thích hợp nhất để đi du lịch đền Hùng là vào dịp đầu xuân. Lúc này thời tiết tương đối chan hòa, mát mẻ. Đây cũng là thời điểm diễn ra rất nhiều các lễ hội lớn. Tới đền Hùng vào mùa xuân, các bạn sẽ được trải nghiệm không khí rộn ràng, nhộn nhịp, đầy tấp nập.

 

Hướng dẫn di chuyển tới Đền Hùng Phú Thọ

Quần thể du lịch Đền Hùng nằm ở thành phố Việt Trì, cách thành phố Hà Nội khoảng 90 kilomet. Bởi vậy rất phù hợp cho những chuyến du lịch trong vòng 1 ngày.

Với xe máy có hai cung đường để bạn có thể lựa chọn:

Cung đường 1: Các bạn đi theo đường ra sân bây Nội Bài qua cầu Thăng Long. Đến khu vực đường Quốc lộ 2, mọi người đi tiếp tới Cầu Việt Trì. Qua trung tâm thành phố, mọi người rẽ trái tầm 10 kilomet nữa là tới Đền Hùng.

Cung đường 2: Bạn đi theo đường quốc lộ 32 tới Ba Vì (Sơn Tây). Đến cầu Trung Hà thì tiếp tục di chuyển tới Cầu Phong Châu. Qua Phong Châu, tiếp tục đi thẳng là đến đền Hùng.

 

Giá vé Đền Hùng

Giá vé của quần thể du lịch Đền Hùng bao gồm các loại vé như sau:

Vé vào bảo tàng 15.000/khách

Vé đi xe điện 50.000/khách

Vé lên các ngôi đền 10.000/khách

 

Các địa điểm du lịch tham quan tại Đền Hùng

Bảo tàng vua Hùng:là khu bảo tàng 2 tầng cao hơn 30 mét, là địa điểm trưng bày của 700 hiện vật gốc, 163 bức tranh, 9 bức gò đồng, 5 hộp bình và rất nhiều các hiện vật đa dạng khác. Đến với bảo tàng, các bạn sẽ được chiêm ngưỡng những hiện vật mang đậm tịnh lịch sử, được tìm hiểu về quá trình dựng nước, giữ nước của các 13 thế hệ các vị vua Hùng.

Đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền Giếng:Đây đều là 4 ngôi đền thiêng liêng, nằm rải rác xung quanh quần thể du lịch Đền Hùng, đây là nơi khách du lịch có thể đến tham quan, khấn bái, làm lễ,…..

Đền mẫu Âu Cơ:Đây là công trình kiến trúc đặc biệt, nơi thờ phụng Âu Cơ là mẹ của vị vua Hùng đầu tiên, khai sinh ra nước Văn Lang. Đền Mẫu Âu Cơ mang nét thanh bình của một ngôi đền ẩn dưới một gốc đa cổ thụ, bên tả có giếng Loan, bên hữu có giếng Phượng, phía trước có núi Giác, sau lưng có sông Hồng uốn khúc.

Hang Lạng:Hang nằm tại huyện Thanh Sơn có kích thước lớn với những thạch nhũ và hình thù lạ và vô cùng đẹp mắt.

Đầm Ao Châu:Có diện tích khoảng 2 km2 mặt nước, gồm 100 hòn đảo lớn nhỏ nằm tại huyện Hạ Hòa. Đây chính là nơi có hệ động thực vật phong phú và một bầu không khí thanh bình, yên lành.

Vườn quốc gia Xuân Sơn:Nằm tại huyện Thanh Sơn có diện tích lên tới 18.369 ha. Nơi đây nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên, cùng hệ sinh thái phong phú đa dạng. Tới đây bạn sẽ được tận mắt thấy những loài thực vật với số lượng lớn và đẹp như cây rau sắng, dẻ, mộc lan…

 

Suối Tiên:Tập trung hơn 10 thác nước lớn, nhỏ và những bãi đá cuội với đầy màu sắc. Đây cũng chính là nơi được nhiều du khách khi tới huyện Hạ Hòa.

 

Ăn gì khi du lịch Đền Hùng

Bánh tai Phú Thọ

Bánh tai Phú Thọ hôm nay có từ thời xa xưa của làng Phú Thọ. Bánh tai có hình thù giống cái tai, là thứ bánh gạo tẻ, nhân thịt lợn, dễ làm bởi quy trình không mấy phức tạp, dụng cụ không cầu kỳ nhưng không phải ai cũng làm được.

Bánh tai Phú Thọ chủ yếu là thứ ăn sáng. Ra chợ phường (như chợ phường Hùng Vương hiện nay) định ăn bánh tai, ta phải tìm đến bà hàng không quán, bánh đựng trong thúng ủ kín..

Thịt chua Thanh Sơn

Vùng đất cổ Thanh Sơn (Phú Thọ) được nhắc đến với văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú mà chỉ mới nghe tên các món ăn mà ai nấy cũng đã xốn xang: “Lạ lùng rêu đá, đậm đà thịt chua”. Nhắc tới món thịt chua Thanh Sơn bạn sẽ nghĩ ngay đến mùi vị bùi bùi của thịt, sần sật của bì nướng hoà quyện với vị chua chua của vị thính đã lên men, vị chát ngọt của lá cây vô cùng dễ ăn giúp thay đổi khẩu vị, có thể dùng làm mồi trong các bữa nhậu rất đặc sắc và thơm ngon.

Người ta thường ăn thịt kèm với các loại lá như: lá sung, lá ổi, lá mơ, lá đinh lăng, rau thơm,… chấm kèm với tương ớt sẽ cảm nhận được hết hương vị vô cùng độc đáo, mới lạ mà món ăn đem lại.

Cọ ỏm

Cứ đến cữ tháng 9 cây cọ bắt đầu ra hoa và đến vài ba tháng sau thì cho quả. Quả cọ non thì chưa om được, phải đợi đến khi quả cọ già, da chuyển màu xanh sậm. Quả cọ rửa qua, cho vào nồi lưng lưng nước, đặt lên bếp, đun nhỏ lửa. Cái giống cọ không ưa to lửa, bởi nếu ai nóng ruột đun lửa to cho chóng chỉ có làm hỏng món cọ om mà thôi, bởi khi ấy cọ rất chát, lửa càng to thì cọ càng chát. Vậy nên khi đun nhỏ lửa, vị chát của cọ được “thôi” ra, cho đến khi thấy quả cọ mềm là được. Cọ om ăn bùi, ngậy không kém trám om. Cầu kỳ hơn, cọ om đem kho cá, nêm gia vị ăn cũng rất lạ.

Bánh làng Dòng

Làng Dòng (Xuân Lũng, Lâm Thao) nức danh khắp vùng trung du đất Tổ với nghề làm bánh truyền thống đã tồn tại hàng mấy trăm năm, vẫn đang được người dân nơi đây gìn giữ và phát triển. Các loại bánh của làng Dòng vừa ngon, vừa đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, luôn được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh yêu thích.

Bánh chưng được gói từ gạo nếp cái hoa vàng, dẻo thơm đậm đà hương vị; bánh nẳng được làm cầu kỳ từ gạo nếp với nước cốt các loại lá thơm, mầu đỏ đậm, có độ trong và dẻo, chấm với mật mía đem lại cho du khách cảm giác mát giọng, ngọt ngào; bánh gai dẻo mềm hương vị của lá gai, bùi béo của mứt sen trần, của lạc rang, của cùi dừa; bánh đúc giòn, đậm đà vị tương quê, thêm lạc rang bùi ngậy thơm nồng; bánh giày mịn màng, dẻo thơm, ngọt dịu…

Bánh sắn

Đây là loại bánh dân dã đã để lại khá nhiều ấn tượng mới lạ, sâu sắc cho du khách thập phương mỗi khi ghé thăm quê hương Phú Thọ. Món ăn không chỉ thơm bùi của vị sắn nếp đặc sản nơi đây mà còn béo ngậy quyến rũ lòng người.

 

Đặc sản Phú Thọ mua về làm quà

Tương Dục Mỹ

Mùi thơm hấp dẫn, vị đậm ngọt, béo ngậy và màu vàng sánh của tương Dục Mỹ khiến cho những ai từng thưởng thức sẽ không quên được hương vị tương quê đặc biệt nơi đây

Những nguyên liệu để tạo nên tương Dục Mỹ là gạo nếp, đậu tương, muối và nước. Tuy quy trình làm tương nơi đây không có gì khác so với quy trình làm tương truyền thống: phơi mốc, ủ mốc, lên men…nhưng có lẽ chính do nguồn nước ngọt được lấy từ độ sâu hàng trăm mét dưới lớp đá ong dày đã tạo nên mùi vị đặc biệt cho loại tương này.

Bưởi Đoan Hùng

Bưởi Đoan Hùng là giống bưởi đặc sản nổi tiếng tại Phú Thọ và khắp miền Bắc. Loại trái cây đặc biệt này được trồng tại vùng đất Đoan Hùng, xưa còn gọi là “bưởi Phủ Đoan”, là loại cây trồng lâu năm, có quả hình cầu dẹt, nặng chưa đầy 1 kg, khi quả chín màu vàng sáng, tép nhỏ, vỏ héo, mềm, đặc trưng mọng nước, ngọt và mát. Món ẩm thực đất Tổ này còn quý ở chỗ có thể bảo quản được vài tháng đến nửa năm, ngay cả khi vỏ đã héo khô, khi bổ ra ăn vẫn ngọt, thơm mát, vẫn giữ nguyên hương vị.

Tại Đoan Hùng hiện nay vẫn còn giữ được hai giống bưởi quý đó là: bưởi Chí Đám và bưởi Bằng Luân. Cách đây khoảng 300 năm bưởi Bằng Luân được trồng nhiều nhất ở hai xã Bằng Luân và xã Quế Lâm của huyện Đoan Hùng. Bưởi Chí Đám rất ưa đất phù sa, loại này có nguồn gốc từ việc gây giống cây bưởi của nhà lão nông có tên là ông Sửu cách đây trên 200 năm, nên bưởi còn có tên gọi là bưởi Sửu.

Hồng Gia Thanh

Hồng Gia Thanh có nguồn gốc ở Tiên Cát, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, được dân di thực về trồng tại các vườn hộ gia đình thuộc xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh ít nhất từ 50 – 70 năm trở lại đây, có những cây đã gần 70 tuổi. Hiện trên địa bàn huyện Phù Ninh đang có khoảng 50ha diện tích trồng Hồng mang lại thu nhập cho người dân.

Đặc điểm của Hồng Gia Thanh là quả không có hạt, hình thoi cao thành chứ không tròn, tai vểnh lên, khi chín quả có màu vàng nhạt, ăn vị giòn, ngọt. hồng ngâm còn chứa nhiều vitamin tốt cho sức khỏe, là một món quà hấp dẫn cho những người con xa quê và du khách thập phương ghé thăm Phú Thọ được thưởng thức đặc sản vùng Đất Tổ.

Chè Phú Thọ

Mỗi vùng đất với điều kiện thổ nhưỡng khác nhau nên đã đem lại cho sản phẩm chè Phú Thọ nhiều hương vị đặc trưng riêng. Đến nay, sản phẩm chè của Phú Thọ đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và được đông đảo người tiêu dùng trong nước biết tới.

 

Một số lưu ý khi du lịch Đền Hùng:

Trang phục: Tùy thời tiết nhưng về cơ bản các bạn nên mặc trang phục gọn nhẹ, thoải mái cho việc di chuyển. Nếu đi vào mùa đông thì không nên mang theo những trang phục dày, hãy mặc thành nhiều lớp mỏng, trong quá trình di chuyển nếu nóng quá sẽ bỏ dần ra. Vừa không phải mang nặng, vừa vẫn giữ ấm được cơ thể. Có một điều cần nhớ, các bạn PHẢI MẶC TRANG PHỤC LỊCH SỰ, nếu trang phục không đảm bảo lịch sự, các bạn có thể bị từ chối vào Đền Hùng.

Nên sử dụng giày thể thao, loại có đế bám tốt. Nếu mùa hè thì có thể mang theo dép tổ ong cho tiện.

Dịp lễ hội thường sẽ rất đông người, tình trạng lộn xộn chen lấn là không thể tránh được, các bạn cần có phương án để tự bảo quản tài sản cá nhân. Điện thoại, ví tiền luôn để trong túi quần trước (để túi quần sau rất dễ bị rạch hoặc móc mất). Các loại túi, ba lô nên đeo quay về phía trước để luôn có thể nhìn được tài sản của mình.

Chặt chém là đặc sản của các địa điểm du lịch nổi tiếng ngoài Bắc, các bạn hãy luôn nhớ trả giá trước khi mua hay sử dụng bất kỳ dịch vụ gì. Chưa đạt được thỏa thuận tuyệt đối không sử dụng dịch vụ. Nếu trong trường hợp bị bắt chẹt, đừng ngại ngần gọi sự trợ giúp từ lực lượng chức năng. Đôi khi người kinh doanh thường đánh vào tâm lý các bạn ở nơi xa đến, không muốn lằng nhằng nên sẽ ép các bạn, nếu các bạn kiên quyết tìm sự hỗ trợ, họ sẽ không dám làm gì đâu.

 

Với những chia sẻ kinh nghiệm du lịch đền hùng trên đây hi vọng bạn sẽ có một chuyến hành trình thật suôn sẻ và bình an. Chúc các bạn vui vẻ nhé!

 

Hotline: 0347 362 775
Tư Vấn Online
Gọi: 0347 362 775