Blog

Khu du lịch thái hải

Khu du lịch thái hải là khu bảo tồn theo dạng nhà sàn đậm nét của đồng bào dân tộc Tày, Nùng tại Thái Nguyên thời gian gần đây thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế

Hãy cùng Rong Ba Travel khám phá các kinh nghiệm đi khu du lịch Thái Hải dưới đây để có chuyến đi trọn vẹn nhất nhé!

Thái Nguyên là tỉnh gần Hà Nội có đặc điểm yên tĩnh, thanh bình và có những điểm đến văn hóa hấp dẫn. Trong đó khu du lịch Thái Hải hay còn gọi là làng nhà sàn Thái Hải là một trong những điểm đến yêu thích của du khách.

Khu du lịch có địa chỉ tại xóm Mỹ Hào, xã Thịnh Đức chỉ nằm cách thành phố Thái Nguyên khaorng 12 km. Khi đến đây bạn sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những nét đẹp, sự tinh tế, độc đáo mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc Tày và Nùng tại tỉnh Thái Nguyên để tận hưởng cuộc sống tại một ốc đảo xanh giữa lòng thành phố.

Kinh nghiệm đi khu du lịch thái hải:

1.Đôi nét về du lịch Thái Hải :

Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải có quy mô 25ha, tại đây có 30 ngôi nhà sàn với tuổi đời hàng trăm năm. Đặc biệt các ngôi nhà sàn ở đây đều được chuyển từ khu ATK Đinh Hóa Thái Nguyên về và được phục dựng nguyên bản để giữ gìn và bảo tồn tốt nhất.

Bao quanh khu vực nhà sàn là 4 bề đồi núi, người dân Tày, Nùng sống trong lòng chảo này thân thuộc như làng mình và cùng nhau giữ gìn nét văn hóa đậm bản sắc của dân tộc mình. Nơi đây có không gian xanh mướt và bình yên đảm bảo sẽ làm hài lòng những ai muốn tìm về cuộc sống bình yên đích thực.

2.Thời điểm đi du lịch làng nhà sàn Thái Hải đẹp nhất

Bạn có thể đến khu bảo tồn làng nhà sàn sinh thái thái hải vào bất cứ lúc nào đặc biệt là vào mùa hè. Địa hình ở đây núi cao, cây cối xanh tốt là địa điểm thích hợp để tránh nắng và tận hưởng bầu không khí trong lành, mát mẻ để có những phút giây thư giãn nhất.

3.Hướng dẫn đường đi:

Khu bảo tồn nhà sàn Thái Hải có địa chỉ tại xóm Mỹ Hào, Thịnh Đức là một ốc đảo nằm giữa 2 thành phố lớn là Thái Nguyên và Sông Công. Bạn có thể di chuyển một trong 2 hướng sau:

-Từ trung tâm thành phố Thái Nguyên đi về hướng cầu vượt Đán- đi qua CĐ Y Tế 1 đoạn thì rẽ trái- sau đó đi vào đường Thịnh Đức khoảng 4 km thì sẽ đến cổng chào khu sinh thái thái hải .

-Từ trung tâm thành phố Sông Công bạn di chuyển tiếp khoảng 10 km nằm các trại ngựa Bá Vân khoảng 3 km. Đây cũng là một hướng rất tiện để tham quan luôn Trại Ngựa.

4.Khu bảo tồn nhà sàn Thái Hải có gì hấp dẫn?

Khu bảo tồn làng nhà sàn sinh thái Thái Hải nằm giữa không gian hơn 70ha núi đồi và cỏ cây.Đây không chỉ là nơi bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống vật thể, phi vật thể mà đây còn kết hợp với bảo tồn thiên nhiên, đây cũng là nơi tái hiện lại những phong tục tập quán nếp sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Tày.

Tour Du Lịch Hồ Núi Cốc Thái Nguyên 1 Ngày Giá rẻ

Cảm giác đầu tiên khi đến với khu du lịch sinh thái hải thượng là bạn có thể chìm đắm vào thiên nhiên tươi xanh và hòa mình vào cuộc sống của những con người mộc mạc trong sắc phục áo chàm và hồn hậu như cỏ cây.

Làng nhà sàn được chia làm nhiều khu vực bao gồm khu bảo tồn, khu nghỉ dưỡng, khu ẩm thực, khu tổ chức sự kiện và khu vui chơi giải trí…

Khu lưu trú của làng là các nhà sàn truyền thống biệt lập xen kẽ giữa các khu rừng bản địa có không gian thoáng mát, dễ chịu với đầy đủ các trang thiết bị và tiện nghi có thể phục vụ cho 500 khách lưu trú.

Ngoài ra dịch vụ ẩm thực của du lịch thái hải còn phục vụ hơn 100 món ăn mang hương vị truyền thống như lợn quay cả con, khâu nhục, thịt trâu xào mẻ, thịt trâu nướng, canh gà nấu gừng mẻ, gà nướng mộc, cá chép om mẻ, cá om măng chua, cá nướng than hoa, ốc xào măng chua, xôi ngũ sắc, nộm hoa chuối rừng…

Sức chứa của khu vực ẩm thực lên đến 2000 người. Quý khách có thể lựa chọn nước uống đóng chai đã qua xử lý và tiệt trùng, rượu nếp cái lên men truyền thống hay chè canh được thu hoạch theo phương pháp truyền thống của dân tộc Tày.

Khu bảo tồn còn có không gian ngoài trời tách biệt với diện tích từ 300-2 000 m2 để tổ chức các chương trình, sự kiện cho trò chơi ngoài trời khác nhau, nhiều nhà sàn lớn có sẵn để tổ chức hội thảo , liên hoan với sức chứa khoảng 100 người.

Ngoài ra khi đến đây nhiều nhóm khách là gia đình, học, sinh, sinh viên thậm chí là doanh nghiệp còn lựa chọn các trải nghiệm với nhiều hoạt động hấp dẫn như bắt sâu, trồng rau, chăm tưới, nấu ăn như những người dân bản địa. Du khách cũng rất yêu thích với các hoạt động chơi đàn tính, múa chày, hát then…

Ngoài Thái Hải ra ở Thái nguyên còn rất nhiều địa điểm du lịch mà các bạn không nên bỏ lỡ nhé!

Chùa Phù Liễn

Chùa Phù Liễn có diện tích khoảng 7000m2, chùa tọa lạc trên một quả đồi cao thóang đãng với nhiều cây xanh cổ thụ. Chùa gồm có nhà Tam Bảo, Điện mẫu, nhà thờ tổ và khu vườn tháp cổ, trước sân chùa có tượng phật Bà Quan âm linh diệu.

Trong Chùa có bức đại tự hoành tráng gắn bốn chữ vàng: “Linh sơn phúc địa” (có nghĩa là núi thiêng, đất lành).

Theo nội dung thần phả, làng Phù Liễn được thành lập từ thời Lý (có tên gọi là hương Phù Liễn), do đó chùa được mang tên là chùa Phù Liễn (còn có tên khác là “Phù Chân thiền tự” nghĩa là che chở, bảo vệ những điều chân chính).

Trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884) và khởi nghĩa Thái Nguyên (1917), chùa Phù Liễn là nơi che chở, nuôi giấu một số nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám và Lương Ngọc Quyến.

Chùa Đán

Chùa Đán cách trung tâm Tp Thái Nguyên 5 km về phía Tây, ở địa phận xóm Chùa, phường Thịnh Đán. Trước đây chùa Đán được xây bằng gạch đỏ, cột kèo bằng gỗ, lợp ngói vẩy, nhà Tam bảo của chùa rộng 5 gian, bên trong có một số tượng Phật, xung quanh chùa có trồng rất nhiều cây thông, đây là nơi các phật tử của làng Đán và các vùng lân cận đến để sinh hoạt tâm linh. Năm 1917, Vua Khải Định đã ban 2 sắc phong cho xã Thịnh Đán là: Được tôn thờ các vị tướng lĩnh có công với nước; hàng năm người dân được mở hội mùa xuân; hiện 2 sắc phong này đang được lưu giữ tại đền Hồ Sen.

Chùa Ha

Chùa Ha có tên chữ là Bà Ha tự, ở xã Nhã Lộng (nơi đặt lỵ sở huyện Tư Nông xưa), huyện Phú Bình. Chùa tọa lạc trên quả đồi thoải khoảng 2,5ha, địa thế đẹp, thoáng mát, bao quanh có nhiều cây cổ thụ tạo cho chùa thêm tĩnh mịch, cổ kính.

Là ngôi chùa cổ có niên đại sớm của tỉnh Thái Nguyên, lưu giữ được kiểm dáng kiến trúc cổ thời Lê thế kỷ XVIII. Chùa Ha có tổng diện tích xây dựng 735m2, kiến trúc chùa kiểu chữ công, với 7 gian tiền đường và 4 gian thượng điện, có khu nhà thờ tổ, thờ Mẫu nằm gọn trong khuôn viên khép kín. Kết cấu bộ vì kèo kiểu chồng rường, quá giang, kẻ chuyền. Tam quan chùa Ha có kiến trúc chồng diêm, 2 tầng khá độc đáo, tầng trên nhỏ hơn có tám mái lợp ngói mũi hài, có góc mái bằng gỗ tạo thành đầu đao nhọn, cong vút. Nội dung văn bia khắc trên 2 cột đá hình lục lăng tại thượng điện của chùa cho biết năm trùng tu chùa: “Hoàng triều Vĩnh Thịnh vạn vạn niên Thập nhị tuế tại Bính thân trong Xuân cốc nhật…” (ngày tốt, tháng 2, năm Bính Thân, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 12, triều Lê (1976)).

Trong chùa còn bức hoanh phi Phật tức tâm và 6 câu đối, trong đó có câu soạn vào năm Thành Thái nguyên niên (1889): “Nhị bách dư niên sơn khởi tự – Trùng tu thử nhật bút kham minh” (Có nghĩa: Ngôi chùa làm trên núi đá đã có hơn 200 năm, nay được tu sửa lại, tôi cầm bút viết câu đối này). Trong chùa còn lưu giữ được 40 pho tượng cổ đường bệ, uy nghi, chất liệu gỗ và đất phủ sơn son thếp vàng. Các pho tượng được tạc dáng tỷ mỉ, công phu, mang nét đẹp dân dã.

Bức cửa võng chạm khắc công phu với đề tài tứ quý và bài biểu khắc trên gỗ còn khá nguyên vẹn, có niên đại Hoàng triều Thành Thái Nguyên niên. Chùa Ha có 28 cột đá. Cột đá cao 1,6m, chu vi 0,9m; khoảng cách giữa các chân cột là 2,2m, cột cái với cột quân 2,4m. Tiêu biểu là 2 cột đá hình lục lăng có niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 12 – triều Lê (1716). Kỹ thuật đẽo gọt công phu đạt tới trình độ điêu khác đá tinh vi thế kỷ XVIII.

Đình Hộ Lệnh

Đình Hộ Lệnh thuộc xóm Trung, làng Hộ Lệnh, xã Điềm Thụy Phú Bình được xếp hạng di tích nghệ thuật cấp quốc gia, là niềm tự hào của nhân dân Điềm Thụy. Theo sử sách thì đình được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XVIII dưới thời nhà Lê, thờ Anh hùng dân tộc Dương Tự Minh và các hậu thần.

Thời phong kiến đình là nơi phục vụ đời sống tinh thần của người dân, là trung tâm sinh hoạt làng xã, nơi cúng tế các vị thần Thành Hoàng làng, xử án, phạt vạ kẻ vi phạm lệ làng, thông báo các thông tin của Nhà nước phong kiến với nhân dân địa phương, là trung tâm để họp bàn việc nước…

Đình xây dựng theo kiểu chữ Đinh (T) trên một địa thế cao, nằm ở trung tâm làng. Đình thiết kế theo phong cách truyền thống dân tộc: 3 gian hai chái. Mái đình kết cấu bởi 8 bộ vì kèo liên kết bằng loại gỗ đinh. Các bộ vì kèo đều được trang trí đề tài tứ linh: Long, Ly, Quy Phượng.

Gian giữa đình nối liền với hậu cung treo bức hoành phi, hai bên có treo câu đối tạo nên bố cục cân xứng, đạt giá trị thẩm mỹ cao. Giữa tòa đình, phía trước nơi thờ cúng trang trí bức bình phong: Lưỡng long chầu nguyệt. Bên cạnh là hàng cột từ câu đầu xuống đều được sơn son thiếp vàng tạo nên sự ngăn cách gian giữa và hậu cung.

Kiến trúc xây dựng tường bằng các vật liệu cổ truyền có sức chịu lực lâu bền như: Gạch đá ong, gạch chỉ, ngói đỏ vẩy rồng, các tảng đá tốt được đục đẽo công phu dùng kê chân cột tạo cho tổng thể ngôi đình bề thế vững chắc.

Cách bài trí trong đình theo bố cục trang trọng, từ cửa đình vào gian giữa rồi tiếp nối với hậu cung. Từ cửa võng đình với nội thất được trang trí chạm nổi từng ô vuông có bức đại tự đề: Thánh Cung vạn tuế, điện thờ có sắc bàn, phía trước có hương án uy nghi đặt chiếc bát hương gốm Thổ Hà màu men da lươn được tạo dáng tỷ mỷ công phu. Chính điện thờ đặt tượng nổi chân dung đức Thánh nét mặt phương phi, tai dài, đầu đội mũ quan võ.

Đình Phương Độ

Đình Phương Độ thuộc làng Phương Độ, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Đình Phương Độ được xây dựng vào thế kỷ 15 thờ Đức thánh Dương Tự Minh.

Đình Phương Độ là một di tích mang đặc trưng của kiến trúc thời Lê, với mái đình được làm bằng ngói mũi, bốn góc cong vút ẩn hiện dưới tán cây đa cổ thụ. Gác chuông được xây 3 tầng, trước cổng đình là ao bán nguyệt. Đình được dựng lên bởi 48 cột lim có đường kính 0,3-0,5m. Bốn góc đình được thiết kế hình mũi cong tạo cho đình một vẻ đẹp thanh thoát nhẹ nhàng. Trên mái đình được trang trí theo kiểu “Lưỡng long chầu nguyệt”. Ở trong đình, trên – dưới các đầu trụ, đầu cầu và các xà ngang, xà dọc đều được trang trí hoa văn, chạm trổ các bộ “Tứ linh” (Long –Ly – Quy – Phượng) rất khéo léo, công phu.

Gian chính của đình là nơi đặt điện thờ gồm: Một bàn hương án trang trọng lộng lẫy gọi là Thượng Cung Đình. Trên Thượng Cung Đình có Cửa Vọng được sơn son thiếp vàng. Phía trong Nội Cung đặt tượng đức thánh Dương Tự Minh tạc bằng gỗ hình nổi. Bên tả và bên hữu của bàn hương án là bộ “Hạc đứng lưng Quy” thể hiện cho sức mạnh và sự chiến thắng. Trong gian chính còn có câu đối, các bức tranh, bộ bát cửu…được bố trí hài hoà làm tôn thêm vẻ uy nghiêm của ngôi đình.

Trong đình hiện vẫn còn lưu giữ các hiện vật có giá trị như: Một sắc phong và 2 bức Đại tự thờ Dương Tự Minh thời Khải Định; Bàn hương án của cuối thời lê Đầu Thời nguyễn; Bát hương sành cổ (thời Lê); Hai cây nến đồng cao 0,8m (thời Lê) và các đồ vật quý như: Kiệu, bát hương, hương án…được trang trí và trạm trổ hoa văn tinh tế.

Đền Lục Giáp

Đền Lục Giáp thuộc xóm Dương xã Đắc Sơn huyện Phổ Yên. Thời xa xưa đền là ngôi miếu nhỏ thờ thần linh của dân làng vùng Sơn Cốt. Sau để tưởng nhớ công lao người anh hùng dân tộc Dương Tự Minh (thời Lý) và tướng Lưu Nhân Chú (thời Lê) nhân dân ở đây đã lập đền thờ hai ông.

Đền Lục Giáp là công trình cổ đời Lê, nhà tiền tế và hậu cung đều mang nét chung của kiến trúc đền miếu: cầu kỳ nhưng gọn, đẹp xây dựng theo kiểu “tiền kẻ hậu bẩy” tiền kẻ đỡ mái ngói và hậu bẩy chống từ cột giữa ra hiên rất chắc chắn. Cả hai nhà tiền tế hậu cung đều làm ba gian, hai trái, hậu cung hiện mái vẫn lợp ngói mũi, bốn góc mái cong vút, các cột đều làm bằng gỗ lim qua nhiều thế kỷ vẫn giữ được màu đen bóng. Tất cả các đấu trụ, câu đầu, ván lát phía trước hậu cung đều chạm khắc nổi tinh tế, công phu với các hình Long, Ly, Quy, Phượng. Đặc biệt hai cánh cửa chính vào hậu cung được chạm nổi lưỡng Long chầu nguyệt của thời Lê rất đẹp, đạt trình độ mỹ thuật truyền thống tinh xảo

Đền Giá

Đền Giá thờ Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng) và Mạn Điền Quốc Vương, người nông dân đất Thái Nguyên theo Thánh Gióng đi đánh giặc Ân. Đền được dựng từ xa xưa trên vùng đất cổ thuộc xã Đông Cao, Phổ Yên.

Khu di tích khảo cổ Thần Sa

Theo Quốc Lộ 1B di tích khảo cổ thuộc xã Thần Sa, huyện Võ Nhai cách thành phố Thái Nguyên 40 km về phía Bắc. Chính trong các hang động tại nơi này, từ thập kỷ 70 đến cuối thập kỷ 80, các nhà khảo cổ đã phát hiện và phân định được một nền văn hoá khảo cổ học mới-“Văn hoá Thần Sa”, có niên đại trên dưới 3 vạn năm, lần đầu tiên tìm được ở Đông Nam á, thu hút sự chú ý của đông đảo các nhà khoa học trong nước và thế giới.

Hang Phiêng Tung (Miệng Hổ)

Hang Phiêng Tung (Miệng Hổ) ở sườn đông núi Mèo, có độ cao hơn 50 mét, phải bám vào cành cây, dây leo, vách đá mới lên được. Hang cao khoảng 7 mét, rộng 10 mét, sâu 20 mét, có 2 tầng; tầng trên hẹp, không chứa di vật khảo cổ; tại tầng dưới, các nhà khảo cổ học đã thu được 659 hiện vật đá chủ yếu là các mảnh tước nhỏ có vết tu chỉnh dùng làm công cụ mũi nhọn và công cụ nạo cắt.

Mái đá Ngườm

Mái Đá Ngườm là một di chỉ quan trọng bậc nhất của khu di chỉ khảo cổ học Thần Sa nằm trên sườn dãy núi Ngườm thuộc bản Trung Sơn, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Mái Đá Ngườm là một di tích khảo cổ học nổi tiếng đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Trên đây là các kinh nghiệm đi khu du lịch Thái Hải và một số địa điểm du lịch khác. Bất cứ lúc nào bạn muốn tránh xa cuộc sống xô bồ và muốn tìm về những trải nghiệm dân dã, tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc thì đừng bỏ qua bài viết của Rong Ba Travel này nhé !

Hotline: 0347 362 775
Tư Vấn Online
Gọi: 0347 362 775