Nằm trong cánh cung núi trùng điệp của khu Đông Bắc, đỉnh núi Yên Tử có Chùa Đồng ở độ cao 1.068 m so với mặt nước biển. Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non hoà với nét cổ kính trầm mặc của hệ thống am, tháp cùng với đường tùng, cây đại, trúc, mai mọc ở hai bên đường toả bóng mát khiến khách tới du lịch Yên Tử sẽ quên đi nỗi mệt nhọc đường dốc cheo leo.
Giới thiệu chung về Yên Tử và du lịch yên tử
Nhìn tổng thể, khu di sản đề cử nằm trong vùng núi cao Yên Tử, thuộc cánh cung Đông Triều với độ cao trung bình trên 600m, đỉnh cao nhất là ngọn núi Yên Tử có độ cao 1.068m so với mực nước biển. Cánh cung Đông Triều được xem là “phên dậu” phía Đông Bắc của Việt Nam. Vùng núi này không chỉ là một thắng cảnh thiên nhiên, nơi bảo tồn nhiều giống loài động, thực vật mà còn là quê hương của Vương triều nhà Trần trong lịch sử, là “Đất tổ Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam”.Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử bao gồm một hệ thống các di tích lịch sử văn hóa gắn liền với sự ra đời, hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm ở Việt Nam. Các di tích này nằm ở khu vực giáp ranh giữa 3 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Quảng Ninh, bao gồm 5 khu vực: Khu di tích và danh thắng Đông Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh), Khu di tích lịch sử nhà Trần (Đông Triều, Quảng Ninh), Khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử (nằm trên các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động tỉnh Bắc Giang), Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc – Thanh Mai (Chí Linh, tỉnh Hải Dương).
Tại đây, nhiều di tích lịch sử, văn hóa vẫn đang được bảo tồn. Từ xưa các tín đồ đạo Phật Việt Nam đã đến Yên Tử dựng am cỏ cầu kinh niệm Phật. Từ trước Công nguyên, đạo sĩ An Kỳ Sinh (Yên Kỳ Sinh) đã đến nơi đây tu hành và đắc đạo. Những năm sau đó, nhiều thế hệ tăng ni phật tử Việt Nam tiếp tục tìm đến Yên Tử tu hành, xây dựng chùa, tháp và nhiều công trình khác.
Đặc biệt, từ thời Trần (1226 – 1400), Yên Tử đã được đầu tư xây dựng thành khu Quần thể kiến trúc chùa, tháp có quy mô to lớn. Khởi đầu là Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông) đến Yên Tử tháng 4 năm Bính Thân (1236). Sau đó, Trần Nhân Tông (Trần Khâm) – vị vua của hai cuộc kháng chiến đại thắng quân Nguyên – Mông vào năm 1285 và 1288. Nhưng vào lúc triều đại nhà Trần đang hưng thịnh, Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con để chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật và tìm đến Yên Tử tu hành.
Năm 1299, Trần Nhân Tông đã chính thức thành lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử bằng cả một hệ thống lý thuyết và hành động gắn đạo với đời. Ông được coi là vị Sư Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang Phật danh Điều Ngự Giác Hoàng. Kế tục sự nghiệp của ông là Sư Tổ Pháp Loa và Huyền Quang Tôn Giả. Cả ba vị được gọi là Trúc Lâm Tam Tổ. Từ đó, Yên Tử trở thành kinh đô tư tưởng của Phật phái Trúc Lâm, đánh dấu sự phát triển triết học và tư tưởng của dân tộc Việt Nam trong các thế kỷ 13 và 14. Gắn liền với lịch sử phát triển dòng thiền Trúc Lâm tại Yên Tử là việc xây dựng và hình thành một quần thể các công trình kiến trúc gồm nhiều chùa và hàng trăm am, tháp, mộ, bia, tượng. Quần thể kiến trúc này được đặt trong một tổng thể cảnh quan hùng vĩ, trải dài hàng chục km tạo thành Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là nơi hình thành, ra đời và phát triển của Trung tâm Phật giáo Thiền Tông thuần Việt, do người Việt trực tiếp sáng lập ra. Là nơi hội tụ của các công trình kiến trúc cổ kính do các Tăng, Ni, Phật tử và triều đình phong kiến của các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn kế tiếp nhau xây dựng, tu bổ và tôn tạo. Những công trình này đã phản ánh khá rõ nét sự phát triển của kiến trúc, mỹ thuật, điêu khắc, tiêu biểu cho tài năng sáng tạo nghệ thuật của dân tộc Việt Nam. Đây là một quần thể di tích rất lớn và ra đời sớm ở Việt Nam.
Nên du lịch yên tử vào thời gian nào?
Lễ hội Yên Tử hàng năm thường khai hội vào ngày 10/1 (Âm lịch) và kéo dài trong suốt 3 tháng mùa xuân Sau nghi lễ được tổ chức dưới chân núi, sẽ là cuộc hành hương của hàng vạn người đến với non thiêng Yên Tử.
- Nếu muốn đi trảy hội xuân Yên Tử và không ngại vất vả, các bạn có thể đi luôn sau ngày khai mạc. Trong dịp này, lượng người đổ về Yên Tử rất đông, các dịch vụ hàng quán có thể nói đều trong tình trạng hoạt động hết công suất, thậm chí muốn đi cáp treo chắc cũng phải xếp hàng dài. Nếu có người già và trẻ nhỏ, tốt nhất dịp này không nên đi.
- Khoảng thời gian tháng 3 lúc này thời tiết đã tương đối khô ráo, mát mẻ, lượng người đi hội cũng không nhiều như tháng Giêng là thời điểm thích hợp để vẫn có thể đi Yên Tử trong mùa lễ nhưng không quá mệt mỏi do người đông.
- Ngoài ra, nếu chỉ có ý định đi vãn cảnh chùa, các bạn có thể đi bất cứ lúc nào rảnh. Miễn là theo dõi thời tiết để tránh đi vào lúc mưa bão hay quá lạnh, dễ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.
Cảnh đẹp đặc sắc nhất ở Yên Tử
Bước chân vào ‘cõi Phật nơi hạ giới’, khách du lịch Yên Tử sẽ bị choáng ngợp bởi khung cảnh quá đỗi yên bình khi thiên nhiên, đất trời và con người như giao hòa là một. Chúng tôi xin gợi ý một vào điểm tham quan hấp dẫn, hớp hồn khách du lịch mà du khách không thể bỏ lỡ trong chuyến tham quan Yên Tử sắp tới đây.
Chùa Trình
Chùa Trình hay còn được biết đến theo tên gọi khác là đền Trình hay chùa Bí Thượng. Chùa Trình nằm ở Bí Thượng, Phương Đông, Uông Bí, Quảng Ninh. Tọa lạc ở độ cao hơn 1000 mét, ngôi chùa nổi tiếng này gần như chạm tới trời mây trên đỉnh Yên Tử.
Ngôi chùa cổ tuổi đời khoảng 400 năm này được xây dựng từ thời Hậu Lê với kiến trúc hình chữ Nhất. Tuy nhiên, sau này vào đầu thế kỷ XX nó được thay đổi thiết kế thành lối kiến trúc chữ Đinh. Đến năm 2006, chùa đã được tu sửa và xây dựng lại với quy mô mở rộng, khang trang như ngày hôm nay.
Bên ngoài chùa Trình là dòng suối nhỏ với dòng nước trong vắt, róc rách chảy qua từng khe đá chênh vênh. Tiếng gió hòa cùng từng nhịp chuông chùa giữa không gian thanh tịnh khiến tâm hồn ta thêm thanh thản. Đây cũng là nơi vua Trần Nhân Tông chọn làm chốn quy y, về với Đức Phật.
Bên trong chùa bao gồm: Tiền đường, Chính điện thờ Đức Phật, tòa Tả Vu và Hữu Vu thờ Thập Bát La Hán, cùng nhà thờ Tổ, Tam Tổ Trúc Lâm, các ban Trần Triều, Tam Hòa Thánh Mẫu, Tam Vương,… dừng chân lại chùa Trình, nghỉ ngơi đôi phút để bắt đầu cuộc hành trình mới đến Yên Tử gian lao nhưng đầy thú vị nhé!
Suối Giải Oan
Dòng suối đi cùng câu chuyện có thật kể về hàng trăm phi tần, cung nữ trong cung quá yêu quý đức vua, đã trẫm mình xuống dòng nước xiết để cầu xin vua Trần Nhân Tông không quy y. Nhà vua đã cho dựng dùng để giải oan cho những cung nữ đã vì mình mà chết.
Chùa Giải Oan
Ngôi chùa còn có tên gọi khác là chùa Hạ. Cùng với chùa Hoa Yên và chùa Đồng, chùa Giải Oan một trong ba ngôi chùa nổi tiếng nhất ở núi Yên Tử. Trong hành trình khám phá Yên Tử, bạn sẽ đi qua chùa Giải Oan đầu tiên, hãy dành đôi phút nghỉ chân tại ngôi chùa này và ngắm nhìn khung cảnh yên bình quanh ngôi chùa này. Chùa được xây dựng theo cấu trúc chữ Đinh, bao gồm 5 gian và hậu cung mang đậm nét văn hóa Việt Nam.
Chùa Hoa Yên
Người ta còn gọi chùa Hoa Yên là chùa Cả hay chùa Phù Vân. Ngôi chùa này tọa lạc trên đỉnh Yên Tử và nằm ở độ cao 516m. Trước đây chùa từng có tên là chùa Vân Yên nhưng sau khi vua Lê Thánh Tông đến tham quan và nhìn thấy quang cảnh chùa muôn vàn sắc hoa, bèn đổi tên thành chùa Hoa Yên. Ở phía trước chùa là Huệ Quang Kim Tháp và hơn 40 ngôi tháp lớn nhỏ chủ yếu được xây từ thời nhà Trần.
Chùa Một Mái
Đây là ngôi chùa cổ có từ thời nhà Lê, còn có tên gọi khác là chùa Bồ Đà. Sở dĩ người ta đặt tên cho ngôi chùa là Một Mái bởi chùa tọa lạc ở địa thế lưng chừng núi: một nửa phô ra giữa mây trời, một nửa lại ẩn mình trong hang động. Chùa bao gồm 3 gian chính: gian đầu thờ Đức Chúa Ông, Tổ Phật và Tam Tổ Trúc Lâm; gian giữa thờ Ban Thường Trụ Tam Bảo và gian trong cùng thờ Quan Âm Bồ Tát. Phía trước chùa là Tháp Thanh Long thờ Thiền sư Nguyên Hội – một nhà sư đức độ đã có công lớn với chùa. Phía bên cạnh chùa có rất nhiều cây quýt đại thụ, cây bồ hòn và nhiều loại cây thuốc quý hiếm mọc ở quanh vách núi.
Chùa Bảo Sái
Ngôi chùa được lấy tên theo một vị đệ tử thân tín của vua Trần. Đây là nơi biên soạn và lưu trữ các tài liệu kinh văn của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ngôi chùa này quanh năm mang một vẻ yên bình, tĩnh lặng và hoài cổ.
Chùa Vân Tiêu
‘Vân Tiêu’ có nghĩa là tầng mây – cái tên đã cho chúng ta phần nào hiểu được vẻ đẹp dung dị hòa quyện cùng mây trời của ngôi chùa này. Chùa Vân Tiêu tọa lạc ở phía Tây đỉnh Yên Tử. Do địa hình dãy núi đồ sộ chắn ngang nên luồng không khí biển không thổi vào được, ngưng tụ thành những đám mây tầng tầng lớp lớp bao quanh ngôi chùa.
Cổng trời, Bia Phật
Để đến chùa Đồng, khách du lịch Yên Tử sẽ cần phải vượt qua cửa ải ‘Cổng trời’ – nơi có hàng nghìn phiến đá trầm tích to lớn, sắp xếp một cách tự nhiên dẫn bạn vào chốn linh thiêng. Du khách cũng sẽ nhìn thấy một phiến đá lớn được dựng dọc lên, phía bên trên có khắc: Ai Di Đà Phật – Tứ Tự Hồng Danh – được gọi là Bia Phật.
Chùa Đồng
Đây là ngôi chùa tọa lạc trên đỉnh núi cao nhất Yên Tử, được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là ngôi chùa đồng lớn nhất. Nằm ở độ cao 1.068m, ngôi chùa như hòa vào cảnh sắc mê hoặc của mây trời. Chùa Đồng được đúc theo nguyên mẫu chùa Keo với sức nặng lên tới 70 tấn. Điều đặc biệt ở ngôi chùa này là đường nét hoa văn tỉ mỉ, được chạm khắc vô cùng tinh xảo và điêu luyện theo phong cách nhà Trần. Đây cũng là một trong những nơi khách du lịch Hạ Long muốn ghé đến check-in nhiều nhất ở Yên Tử.
Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử
Hay còn có tên gọi khác là chùa Lân. Đây chính là ngôi chùa mà vua Trần Nhân Tông đã chọn làm nơi quy y cửa Phật. Sau này, chùa là nơi Phật Hoàng thường tụng kinh, giảng đạo cho cho các chư tôn và tăng nhi cho đến cuối đời. Gọi là chùa nhưng thực chất đây giống như một trường học nhiều hơn, vì vậy quan khách có thể ghé đến và tham quan hơn là đi cầu thỉnh.
Vườn tháp Huệ Quang
Đây là nơi cất giữ phần xá lợi của vua Trần Nhân Tông. Suốt hơn 700 năm qua, vườn tháp Huệ Quang được tu sửa, trùng tu vô số lần cho đến khi đẹp đẽ như ngày hôm nay. Ngọn tháp cao 7m, bao gồm 5 tầng ghép bằng những khối đá xanh, được chạm trổ nét hoa văn sóng nước vô cùng uyển chuyển và xuất thần. Trên đài tháp là 102 cánh sen trang trí hoa dây mềm mại đặc trưng kiến trúc thời Trần. Phía quanh là những hàng cây cổ thụ vươn mình che chắn gió mưa cho ngọn tháp. Sự tôn nghiêm ẩn mình trong dáng vẻ cổ kính đã khiến tháp Huệ Quang trở thành chứng tích quan trọng bậc nhất trong khu danh thắng núi Yên Tử.
Ghé thăm khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử
Tây Yên Tử là một điểm đến vô cùng mới lạ và hấp dẫn trong những năm gần đây mà bạn không nên bỏ lỡ trong chuyến hành hương về với Đất Phật của mình. Chặng đường từ sườn đông Yên Tử (Quảng Ninh) đến sườn Tây Yên Tử (Bắc Giang), du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng những cánh đồng lau nở trắng muốt bên đường. Dự án Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử được tỉnh Bắc Giang đầu tư khá mạnh mẽ và công phu trong những năm gần đây. Đến với Tây Yên Tử, du khách sẽ được hòa mình vào cảnh sắc sơn thủy hữu tình, nét huyền bí của những khu rừng nguyên sinh rậm rạp và cả sự uy nghi, bề thế đầy sự thâm nghiêm của các công trình, kiến trúc nơi đây. Nếu phần Đông Yên Tử có nhiều chùa chiền, thích hợp cho du khách đến bái Phật thì khu sinh thái ở phần Tây Yên Tử lại được khách đi tour du lịch Hạ Long ghé qua check-in ngắm cảnh nhiều hơn.
Khi mới bắt đầu từ năm 2014, dự án khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử bao gồm 4 chùa chính độc lập: chùa Trình, chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng nằm trên diện tích 13,8 ha. Đến nay, du khách có thể ghé thăm chùa Trình, chùa Hạ, khu di tích chùa Bổ Đà, khu di tích suối Mỡ,… Từ Tây Yên Tử, du khách có thể đi cáp treo đến chùa Đồng trong quãng đường dài 2km với cảnh sắc thiên nhiên hòa cùng đất trời đầy thi vị.
Vậy là chúng tôi đã tổng hợp cho bạn những kinh nghiệm chắt lọc nhất để bạn có một chuyến đi du lịch yên tử trọn vẹn. Chúng ta dù ở độ tuổi nào, hay ở bất cứ thời gian nào cũng có thể hành hương tới Đất Phật để tìm lại vẻ an nhiên và tĩnh tâm ngay trong tâm hồn mình! Dù chỉ là vài tiếng ghé qua Yên Tử sau chuyến đidu lịch Hạ Long, hay là dành ra đến vài ngày ở Yên Tử thì hy vọng những thông tin trên có ích cho hành trình của bạn nhé!