Blog

Bánh áp chao lạng sơn

Bánh áp chao lạng sơn là một đặc sản có cái tên và hương vị lạ lùng khiến du khách ấm lòng ngày đông giữa phố phường Lạng Sơn tấp nập.  

Nhắc đến Lạng Sơn là nhắc đến đặc sản vịt quay, lợn quay lá móc mật, nóng hổi và ngon lành. Cũng biến tấu từ món vịt trứ danh, bánh áp chao là món ăn vỉa hè bình dị mà đáng mến.

Tôi đến thành phố Lạng Sơn nhiều lần, nhưng chưa lần nào không tìm đến những hàng bánh áp chao. Cứ tầm cuối thu đầu đông thế này, gió mùa về từng đợt, đến chập tối là lạnh run, bụng cũng “biểu tình” theo.

Chạy xe trên phố một lúc, vòng vèo qua những khu chợ đông đúc, kiểu gì cũng nghe mùi thơm nức mũi bay theo gió. “Trời lạnh mà ăn áp chao là nhất”, chờ gì mà chưa dừng xe?

Ngồi ấm chỗ, xem cô bán hàng làm bánh, nói dăm ba câu chuyện chờ bánh ra đĩa cũng là một cái thú.

Món bánh có cái tên là lạ này được người Lạng Sơn giải thích nhiều cách khác nhau. Dù do cách làm (nặn rồi đem chao nóng) hay phiên âm của “vịt chao” thì bánh cũng có gốc gác chế biến từ món ăn của người Tày Nùng vùng cao Đông Bắc.

Ở Lạng Sơn bánh bán quanh năm, nhưng đông khách nhất phải từ cuối thu đầu đông, tầm tháng 11 đến tháng 2 hàng năm.

Vỏ bánh là bột gạo nếp, gạo tẻ ngâm xay sền sệt, trộn một chút đỗ tương, cho cả khoai môn nạo để tăng thêm độ thơm giòn, tạo nên vị đặc trưng.

Bánh áp chao trông từa tựa bánh rán, nhưng sự khác biệt thì ẩn giấu bên trong. Nhân bánh là thịt vịt chuẩn xứ Lạng, tẩm ướp làm sao đó mà rất đậm đà.

Vịt chọn thịt ức, chặt miếng vừa ăn, ướp với gia vị bột canh, mỳ chính, bột nêm, húng lìu, muối tiêu… theo công chức riêng của từng hàng, để đến 3-4 tiếng cho thật ngấm.

Người bán hàng múc một muỗng lớn bột, áp nhân thịt vịt vào giữa, bọc một lớp bột phía trên, thật nhanh tay để bột không chảy rồi thả cả muỗng bánh vào chảo ngập dầu. Tiếng xèo xèo vang lên vui tai, bánh từ từ phồng lên đẹp mắt. Bánh chín, cô bán hàng vớt từng chiếc cho ráo dầu, sau đó mới cắt miếng nhỏ vừa ăn.

Bánh lên đĩa vẫn thật nóng, ăn kèm với nước mắm chua ngọt ngâm gỏi đu đủ xanh, thêm ít ớt tiêu cay tê tê đầu lưỡi và rổ rau sống xanh mướt chống ngán.

Từng miếng bánh màu nâu vàng ruộm, cắn bên ngoài giòn tan, bên trong thơm thơm dẻo dẻo, hòa quyện với vị thịt vịt ngọt béo đặc trưng, lại sần sật sụn xương đã miệng.

Người sành ăn bao giờ cũng gọi thêm đĩa thịt vịt nướng ướp húng lìu hoặc chân, gan, mề vịt, chấm với nước mắm có măng ngâm cay, quả móc mật muối thơm nồng.

Trời lạnh, người ta thèm đồ nóng. Mỗi tối, quán bánh lâu năm trên phố Thân Thừa Quý hay khu Tam Thanh lại chật ních người.

Trong không khí ồn ã của phố phường, vừa hít hà gió đông vừa nhâm nhi cùng bạn bè đúng khoái khẩu. Bánh ngon mà rẻ, chỉ chừng 5-7 nghìn đồng/chiếc, vài ba chiếc là đã đủ ấm bụng đến khuya. Mà đã ăn đặc sản Lạng Sơn này là nhớ, là quay lại mãi không thôi.

Chi tiết công thức làm Bánh áp chao lạng sơn

Dưới đây là công thức làm bánh áp chao lạng sơn chi tiết mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn. Cùng theo dõi và thử làm nhé!

Nguyên liệu làm Bánh áp chao lạng sơn

Để làm bánh áp chao lạng sơn, chúng ta cần chuẩn bị một số nguyên liệu như sau:

  • Thịt vịt
  • Tinh bột gạo nếp
  • Tinh bột gạo tẻ
  • Đỗ tương
  • Khoai môn
  • Rau thơm, rau sống
  • Nước mắm ngon, cà rốt, su hào, tương ớt, ớt, tiêu
  • Gia vị hạt nêm, bột canh, mỳ chính, húng lìu, tiêu,…
  • Khuôn bánh áp chao

Công thức làm bánh áp chao lạng sơn

Để làm bánh áp chao lạng sơn, ta thực hiện các bước như sau:

  1. Thịt vịt lọc bỏ xương, thái thành những dải thịt nhỏ vừa ăn (Tốt nhất là miếng thịt đủ da)
  2. Ướp thịt vịt với các gia vị hạt nêm, bột canh, mỳ chính, bột húng lìu, tiêu, đường,… cho vừa ăn. Cho thịt vịt vào ngăn mát tủ lạnh để qua đêm
  3. Đỗ tương ngâm qua đêm mang ra xay thành nước
  4. Trộn đều bột gạo nếp và bột gạo tẻ theo tỉ lệ 3:1, thêm một chút hạt nêm
  5. Dùng nước đỗ tương xay để hòa bột, trộn thật đều để tạo thành một hỗn hợp bột đặc sánh. Mang ủ hỗn hợp từ 3 – 4 tiếng.
  6. Sau khi hỗn hợp bột đã ủ xong, thịt vịt đã ngấm gia vị thì mang ra chiên. Cách chiên bánh áp chao như sau:
    • Bắc chảo lên bếp, đổ ngập dầu, đun nóng. Khi dầu sôi thì lấy khuôn bánh nhúng qua hỗn hợp dầu chiên để tạo độ chống dính.
      • Xúc 2 thìa bột đổ vào khuôn, đặt miếng thịt vịt đã ướp vào giữa, tiếp tục cho thêm 2 thìa bột lên trên sao cho phủ kín nhân thịt vịt.
      • Nhúng khuôn vào chảo dầu đang sôi đến khi lớp bột bên ngoài se lại thì lấy khuôn ra khỏi chảo dầu.
      • Tiếp tục dùng chao để trở đều hai mặt bánh, chiên bánh khoảng 3-4 phút cho tới khi bánh giòn đều, vỏ chuyển màu vàng cánh gián thì gắp để lên khay cho chảy bớt dầu.
  1. Khi bánh hơi nguội bớt, dùng kéo cắt bánh ra đĩa. Lúc ăn chấm bánh cùng nước chấm chua ngọt (Nếu không làm được nước chấm thì bạn có thể chấm bánh cùng tương ớt cũng khá ngon)

Cách pha nước chấm chua ngọt chấm bánh áp chao lạng sơn

Công thức pha nước chấm chua ngọt cũng khá đơn giản. Ta làm như sau:

  • Cà rốt, su hào thái miếng mỏng, trộn đều cùng 3 thìa đường (Tùy lượng nước chấm muốn làm mà bạn có thể gia giảm lượng đường cho phù hợp)
  • Tỏi dập dập, băm nhỏ. Ớt thái nhỏ
  • Pha nước mắm với giấm, nước sôi để nguội, tỏi ớt băm.
  • Trút phần nước mắm vừa pha vào phần cà rốt su hào ở bước 1
  • Nếm thử để gia giảm thêm gia vị vừa đủ
  • Có thể thêm tương ớt để tạo màu cho nước chấm. Rắc một chút tiêu là hoàn thành

Thời điểm nên đi lạng sơn

Đi lạng sơn bất kỳ mùa nào trong năm cũng có những điểm thú vị riêng. Để chuyến đi an toàn, bạn chỉ cần tránh tới Lạng Sơn vào mùa mưa bão, khoảng tháng 7 và theo dõi thời tiết trước khi lên đường.

Một số thời điểm đi Lạng Sơn phù hợp:

– Tháng Giêng (Âm lịch): Thời gian diễn ra các lễ hội đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn như : Lễ hội chùa Tam Thanh, lễ hội đầu pháo Kỳ Lừa …

– Cuối tháng 8 – đầu tháng 9: đặc sản “na đu dây” Chi Lăng vào mùa.

– Cuối tháng 7 và cuối tháng 11: Mùa lúa chín tại thung lũng Bắc Sơn, thích hợp để đi săn ảnh lúa vàng.

– Tháng 12 – tháng 1: Cơ hội ngắm tuyết rơi trắng xóa trên đỉnh Mẫu Sơn.

Hướng dẫn phương tiện đi lạng sơn

Cách Hà Nội 180km về hướng Đông Bắc với điều kiện giao thông vô cùng thuận tiện, du khách có thể lựa chọn di chuyển đến Lạng Sơn theo 3 cách sau: 

– Đi xe khách: Xe chạy thường xuyên trong ngày từ các bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm hay Lương Yên (Hà Nội). Thời gian di chuyển khoảng 4 – 5 tiếng. Giá vé: từ 100.000 – 170.000VNĐ/ người

– Đi tàu hoả: Tàu đi Đồng Đăng khởi hành từ ga Hà Nội vào khoảng 7h sáng, mất khoảng hơn 4 giờ đồng hồ để về tới ga thành phố Lạng Sơn trước khi tới ga cuối Đồng Đăng. Giá: từ 80.000 – 115.000VNĐ/ người

– Phương tiện cá nhân: Theo kinh nghiệm du lịch Lạng Sơn, di chuyển bằng xe máy các bạn mất khoảng 4 – 5 giờ đồng hồ, theo cung đường Hà Nội – Bắc Ninh – Bắc Giang – Lạng Sơn hoặc theo QL5 rồi vào đường 1A. Nếu đi Mẫu Sơn thì sau khi lên tới TP.Lạng Sơn, các bạn đi thêm khoảng 20km nữa.

Tới Lạng Sơn, nếu không có sẵn phương tiện cá nhân, du khách thuê xe máy ở thành phố, có thể hỏi ngay tại nơi mình ở hoặc các điểm cho thuê xe rải rác trong thành phố.

Kinh nghiệm đi lạng sơn: Điểm lưu trú

Chưa quá phát triển du lịch song hệ thống khách sạn/nhà nghỉ ở Lạng Sơn khá đa dạng và phong phú đủ để cho bạn nhiều lựa chọn tùy thuộc ngân quỹ chuyến đi và tiêu chuẩn mong muốn.

Tại thành phố du khách tham khảo khách sạn Mường Thanh (số 68 Ngô Quyền, phường Vĩnh Trại) nằm trong top các khách sạn sang trọng tiện nghi, tại Mẫu Sơn cũng có nhiều nhà nghỉ chất lượng với giá thành rẻ, tại các huyện khác UBND cũng thường có chỗ nghỉ cho khách.

Nếu muốn trải nghiệm ở homestay tại Lạng Sơn nhằm đi sâu tìm hiểu văn hóa lối sống các dân tộc trên địa bàn tỉnh bạn tham khảo các điểm lưu trú ở xã Quỳnh Sơn, Bắc Sơn. 

Các điểm tham quan khi đi lạng sơn

Tham quan thành phố Lạng Sơn

Chùa Tiên – Giếng Tiên

Hang động chùa Tiên và Giếng Tiên: Trên đường đi Mai Pha du khách gặp núi đá hình voi nhô lên giữa cánh đồng gọi là núi đại tượng, tại đây có động Chùa Tiên.

Chùa phối thờ Phật, Mẫu và Đức Thánh Trần, nơi đây còn lưu giữ một hệ thống văn bia phong phú của các văn nhân, thi sĩ. Hàng năm chùa Tiên mở hội ngày 18 tháng Giêng âm lịch rất đông vui, theo kinh nghiệm du lịch Lạng Sơn, bạn nên tới xứ Lạng dịp này.

Đằng sau núi Voi – Chùa tiên, ở lưng chừng núi trên mặt bằng đá rộng có Giếng tiên, miệng giếng rộng 20cm có mạch nước quý chảy quanh năm.

Đền Kỳ Cùng

Đền nằm ở phường Vĩnh Trại, bên phía bờ bắc sông Kỳ Cùng, là nơi thờ thần Giao Long (thần sông nước) với nhiệm vụ giữ cho quanh năm mưa thuận gió hòa, một điểm đến tâm linh nổi tiếng tại Lạng Sơn.

Trong đền có bến đá Kỳ Cùng là một trong tám cảnh đẹp của Lạng Sơn được ghi trong “Trấn doanh bát cảnh” xưa Ngô Thì Sỹ gọi với cái tên Kỳ Cùng thạch độ.

Thành nhà Mạc

Thành Nhà Mạc nằm trong khu vực phường Tam Thanh, Thành phố Lạng Sơn, là di tích kiến trúc quân sự phản ánh thời kỳ phong kiến Việt Nam.

Xây dựng vào thế kỷ XVI, dấu tích hiện nay còn lại 2 đoạn tường dài khoảng 300m, mặt thành rộng khoảng 1m, xây bằng những khối đá lớn giữa hẻm núi, thành mang vẻ hoang phế điêu tàn.

Từ những bậc cấp, trông cổng thành xa hun hút nhưng không gian thoáng đãng bao quanh. Trước mặt là thung lũng ruộng lúa, rồi đến làng xóm, núi trùng trùng điệp điệp.

Động Nhị Thanh

Theo kinh nghiệm du lịch Lạng Sơn, du khách không nên bỏ qua cơ hội tham quan động Nhị Thanh. Động Nhị Thanh được danh nhân Ngô Thì Sĩ khám phá và tôn tạo khi ông làm Quan Đốc Trấn Lạng Sơn từ năm 1777 – 1780.

Trong động Nhị Thanh, ông cho xây dựng chùa Tam Giáo, Đình duyệt quân, Thạch miên am, Thụy tuyền hiên, Trai táo. Ngày nay người ta cho chạm khắc chân dung Ngô Thì Sĩ bên trong động cùng với ban thờ để du khách tới dâng hương.

Chùa Tam Thanh

“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”

Từ câu ca xưa người ta đã biết đến chùa Tam Thanh nổi tiếng. Chùa nằm bên trong động Tam Thanh, còn có tên gọi khác là chùa Thanh Thiền. 

Chùa nổi tiếng bởi những giá trị văn hoá nghệ thuật, hiện nay trong chùa còn có một hệ thống bia Ma Nhai khá phong phú có giá trị về mặt sử liệu và văn hoá nghệ thuật do các văn thân, thi sĩ qua các thời kỳ lịch sử lưu lại.

 Ngoài ra bức phù điêu Adiđà có niên đại vào thế kỷ XVII được tạc theo thế đứng vào vách đá trong hình một lá bồ đề cũng là một nét độc đáo của di tích. 

Chợ Đông Kinh và chợ đêm Kỳ Lừa

Chợ Đông Kinh là trung tâm mua bán lớn nhất thành phố Lạng Sơn với kết cấu 3 tầng, tầng 1 bán đồ điện tử, tầng 2 bán hàng tạp hóa, tầng 3 bán hàng thời trang.

Chợ Đêm Kỳ Lừa lại chuyên bán các loại hàng hóa phục vụ khách du lịch, mang đậm bản sắc miền biên cương sẽ phục vụ du khách từ 6h – 23h mỗi ngày.

Kinh nghiệm du lịch Lạng Sơn khuyên du khách nên hỏi rõ giá và kiểm tra thật kỹ chất lượng trước khi mua hàng tại những khu chợ này.

Núi Phai Vệ

Di tích khảo cổ học núi Phai Vệ hiện thuộc phường Vĩnh Trại, ở phía Đông thành phố Lạng Sơn.

Nơi đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu vết cổ sinh vật. Năm 1914, người Pháp đã từng đặt tên cho đường qua núi Phai Vệ là Đại lộ hang động. Hiện nay, du khách dễ dàng nhìn thấy di tích này khi đến tham quan, du lịch mua sắm ở chợ Đông Kinh.

Tham quan

Núi Nà Lay

Đỉnh núi Nà Lay ở độ cao khoảng 600m so với mực nước biển, là địa điểm lý tưởng để ngắm nhìn toàn cảnh thung lũng Bắc Sơn tuyệt đẹp từ trên cao.

Vượt qua 1.200 bậc thang đá cheo leo nhưng khi lên tới đỉnh Nà Lay, mọi vất vả, mệt mỏi sẽ hoàn toàn bị xóa bỏ. Nơi đây còn có trạm vi-ba để bạn có thể nghỉ ngơi trong lúc săn ảnh.

Làng du lịch văn hóa Quỳnh Sơn

Làng Văn hóa du lịch cộng đồng xã Quỳnh Sơn thuộc xã Quỳnh Sơn (huyện Bắc Sơn).

Toàn bộ ngôi làng hơn 400 ngôi nhà sàn của dân tộc Tày nằm gọn trong thung lũng Bắc Sơn, trông tổng thể làng như một bức tranh đa sắc màu có núi, có đồng ruộng mênh mông, suối Quỳnh Sơn trong xanh uốn lượn. Tới đây du khách nhận thấy sự hòa quyện của đời sống con người với vẻ đẹp của tự nhiên.

Thung lũng hoa Bắc Sơn

Thung lũng hoa Bắc Sơn nằm ở thôn Lân Khoang, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) là điểm check-in không thể bỏ lỡ, theo kinh nghiệm du lịch Bắc Sơn 2019. Trăm loài hoa rực rỡ sắc màu, đua nhau khoe sắc trên các cánh đồng hoa chạy dài dưới chân những ngọn núi hùng vĩ.

Vườn hoa tam giác mạch

Không chỉ có Hà Giang, tam giác mạch cũng được trồng nhiều tại xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn. Người dân trồng nó tại các thung lũng, xung quanh là núi đá. Mỗi độ tháng 10, 11 rất đông khách tới tham quan, chụp ảnh mặc dù phải vượt qua những đoạn đường dọc theo bờ nương, vườn ngô.

Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn

Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn là nơi lưu giữ, bảo quản và trưng bày có hệ thống các tài liệu hiện vật về cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn.

Đồng thời, bên trong bảo tàng còn mô phỏng nơi cư trú của người tiền sử, và trưng bày các di vật khảo cổ được khai quật tại Bắc Sơn.Bảo tàng được xây dựng mô phỏng ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày và không thu phí tham quan.

Khu du lịch Mẫu Sơn

Nằm cách trung tâm thị xã Lạng Sơn 30km về phía Đông Bắc, đỉnh Mẫu Sơn được bao bọc xung quanh bởi bao gồm một quần thể 80 ngọn núi lớn nhỏ với đỉnh cao nhất là Phia Po (1.541 m) – nơi đặt cột mốc 42, biên giới Việt Trung.

Với đặc điểm không khí rất trong lành thoáng đãng, đỉnh núi quanh năm mây phủ rất phù hợp cho các chuyến đi nghỉ dưỡng. Khi mùa đông tới, có những năm nhiệt độ ở Mẫu Sơn xuống tới nhiệt độ âm và có thể có tuyết rơi, băng đá.

Du lịch Mẫu Sơn, du khách thưởng thức các món đặc sản tuyết sơn, gà lôi sáu cựa, chanh rừng, ếch hương, rượu Mẫu Sơn…

Du lịch Cao Lộc – đi lạng sơn

Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan

Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị là một cửa khẩu quốc tế của Việt Nam nằm trên biên giới Việt Nam – Trung Quốc, tọa lạc trên Quốc lộ 1A, cách thành phố Lạng Sơn 17 km về phía Bắc. 

Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, phía Việt Nam đã cắm cột mốc 1116 và phía Trung Quốc cắm cột mốc 1117, đây đều là các cột mốc cỡ lớn, có gắn Quốc huy của hai nước.

Đền Mẫu Đồng Đăng

Đền Mẫu Đồng Đăng là nơi thờ Phật và Mẫu Thượng ngàn nằm trên địa bàn thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Tương truyền, đền Mẫu chính là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Mẫu Liễu Hạnh (một trong Tứ bất tử) và Trạng Bùng (Phùng Khắc Khoan), sau khi ông đi sứ từ Trung Quốc trở về. 

Trên đây là toàn bộ thông tin về bánh áp chao lạng sơn. Hi vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích nhất cho chuyến đi của mình. 

Hotline: 0347 362 775
Tư Vấn Online
Gọi: 0347 362 775