Là ngôi chùa có bề dày lịch sử hơn 1000 năm, Chùa Bái Đính đã tồn tại song hành cùng các triều đại phong kiến nhà Đinh, Tiền Lê và đầu nhà Lý. Mặc thời gian thoi đưa, chùa vẫn luôn hiên ngang đứng vững giữa mây trời Ninh Bình, trở thành đệ nhất danh thắng tâm linh ở vùng đất này. Bạn ơi, hôm nay hãy cùng Rong Ba Travel tham quan một vòng Chùa Bái Đính nhé!
Định vị chính xác tọa độ của Chùa Bái Đính
Địa chỉ: núi Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình
Nằm yên bình nơi núi Bái Đính, Chùa Bái Đính tọa lạc tại vị trí tương đối đắc địa, chỉ cách khu vực Cố đô Hoa Lư áng chừng 5km và Khu du lịch Tràng An tầm 11.5km mà thôi. Là di tích nằm ở phía Bắc Quần thể danh thắng Tràng An, chùa là một phần của quần thể di sản thế giới kép này, đồng thời là ngôi chùa gắn liền với ba triều đại phong kiến lớn ngày trước, gồm nhà Đinh, Tiền Lê và nhà Lý.
2.Thời điểm lý tưởng nhất để vãn cảnh Chùa Bái Đính là khi nào?
Cứ vào mỗi độ tết đến xuân về, Chùa Bái Đính thường tổ chức lễ hội chùa nên thu hút đông đảo mọi người và khách hành hương về đây viếng Phật, vãn cảnh chùa và cầu xin cho mọi điều bình an, may mắn trong năm mới.
Thông thường, lễ hội sẽ chính thức được khai mạc vào mùng Sáu tháng Giêng âm lịch và kéo dài cho đến tận tháng Ba mới kết thúc. Thế nhưng mọi người thường ghé đến vãn cảnh Chùa Bái Đính ngay từ chiều mồng Một tháng Giêng rồi. Thế nên nếu có ý định đến Chùa Bái Đính và muốn tận hưởng trọn vẹn bầu không khí náo nhiệt khi trời vào xuân, vậy thì khoảng thời gian từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch sẽ là lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn.
Tuy nhiên, bởi vì đây là vào mùa cao điểm nên lượng người đổ về chùa cũng tăng hơn so với những ngày thường. Lúc này, tại Chùa Bái Đính thường xảy ra tình trạng chen chúc, quá tải, nên nếu bạn không thuộc tuýp người thích sự náo nhiệt, ồn ào thì đây không phải là thời điểm phù hợp để vãn cảnh chùa.
3.Bạn có thể đến Chùa Bái Đính bằng những loại phương tiện nào là hợp lý?
Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng chừng 96km về phía Nam, thế nên bạn có thể dễ dàng di chuyển đến Chùa Bái Đính bằng các loại phương tiện như xe khách, xe máy hoặc tàu hỏa đều được cả.
Hiện nay, từ bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, bạn có thể đón các tuyến xe khách đi Ninh Bình để đến được Chùa Bái Đính. Giá vé cho mỗi chuyến dao động từ 70.000 VNĐ đến 80.000 VNĐ / người. Sau khi đến bến xe Ninh Bình, bạn có thể tiếp tục di chuyển bằng taxi hoặc xe bus để đến được Chùa Bái Đính.
Nếu muốn tiết kiệm chi phí đi lại và chủ động hơn về mặt thời gian, vậy thì xe máy chính là lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn. Nếu di chuyển bằng xe máy, bạn có thể đi theo Quốc lộ 1A đến khu vực trung tâm thành phố Ninh Bình, sau đó đi theo bảng chỉ dẫn là sẽ đến được chùa.
Tàu hỏa là lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn trong chuyến hành trình khám phá Ninh Bình nếu dư dả về mặt thời gian. Bạn có thể đón tàu ở ga Hà Nội và đến ga Ninh Bình, sau đó đi bằng xe bus hoặc taxi để đến Chùa Bái Đính. Giá vé cho một chuyến tàu dao động từ 120.000 VNĐ tùy theo hạng ghế ngồi.
4.Ngược dòng thời gian tìm hiểu về lịch sử xây dựng Chùa Bái Đính
Thuộc Quần thể danh thắng Tràng An, Chùa Bái Đính nằm ở cửa ngõ phía tây Cố đô Hoa Lư ngày trước. Chùa nằm yên bình nơi sườn núi Bái Đính với chung quanh là những thung lũng mênh mông và những hồ, đầm lăn tăn sóng gợn và những dãy núi đá vôi.
Chùa Bái Đính đã tồn tại hơn 1000 năm qua giữa vùng đất cố đô này, gắn liền với với ba triều đại phong kiến lớn của nước ta giai đoạn trước, bao gồm nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý. Chùa được xây dựng từ năm 1136 do thiền sư Nguyễn Minh Không sáng lập. Chung quanh chùa còn có vô vàn những công trình kiến trúc đẹp và có ý nghĩa tâm linh như Giếng Ngọc, Động thờ Tổ sư, Động thờ Phật, Động thờ Mẫu, Bàn thờ Thánh Cao Sơn, v.v.
Chùa là nơi gắn liền với những giai thoại và các tích xưa cũ về Thiền sư Nguyễn Minh Không vang danh khắp trời Nam ngày trước. Chính ông là vị cao tăng đặt nền móng cho Phật giáo, đồng thời cho tiến hành xây dựng tượng Phật và khai mở miền đất Phật tại nơi này. Tương truyền rằng vào thời Lý, Đức Thánh Nguyễn Minh Không đã đến núi Bái Đính tìm thuốc chữa bệnh cho nhà vua. Ông nhận ra rằng đây là vùng đất tiên cảnh, có thế núi hướng về phía Tây như chầu về đất Phật. Ngoài ra, rừng núi nơi đây cũng có vô vàn cây thuốc quý, thế nên ông đã quyết định dừng chân và xây chùa tại đây.
Sở dĩ chùa được đặt tên là Bái Đính là bởi vì, theo quan niệm người xưa, Bái có nghĩa là lễ bái, cúng bái đất thời, Tiên Phật. Trong khi đó, Đính lại có nghĩa là đỉnh, là tọa lạc nơi cao. Bởi thế nên Bái Đính chó nghĩa là cúng bái trời đất, Tiên Phật ngự ở trên cao. Ngoài ra, tên chùa còn có ý nghĩa là hướng về núi Đính – ngọn núi gắn liền với những sự kiện oai hùng của lịch sử nước ta thời kỳ trước. Dẫu thời gian thoi đưa, dẫu vùng đất này đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử nước nhà thì Chùa Bái Đính vẫn oai linh đứng vững mặc cho sương gió bụi trần.
5.Ấn tượng Chùa Bái Đính – Ngôi chùa sở hữu nhiều cái ‘nhất’ của nước ta
Là ngôi chùa rộng nhất nước ta, Chùa Bái Đính có diện tích lên đến 539 ha, trong đó khu chùa Bái Đính mới rộng 80ha và khu chùa cổ rộng 27ha cùng các công trình khác. Tổng thể kiến trúc của Chùa Bái Đính ngày nay được xem như một quy chuẩn, thước đo chuẩn mực cho kiến trúc chùa cổ ở Việt Nam.
Chùa Bái Đính mới hiện nay có quy mô rộng hơn với nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng như Cổng tam quan, Gác chuông, Điện Quán Âm, Điện Giáo Chủ, Điện Tam Thế, Bảo tháp, Hành lang La Hán, v.v. Đồng thời, chùa cũng là nơi được vinh danh nhiều cái ‘nhất’ hiện nay, bao gồm: chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có tượng Phật Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, chùa có chuông đồng lớn nhất Việt Nam, có Bảo tháp cao nhất châu Á, có khu chùa rộng nhất việt Nam, hành lang La Hán dài nhất châu Á, v.v.
6.Những điều bạn cần lưu ý khi vãn cảnh Chùa Bái Đính
Là một trong những điểm tham quan tại Ninh Bình được nhiều người biết đến, đồng thời là di tích tâm linh có ý nghĩa to lớn, thế nên bạn nên lưu ý những điều này nếu có ý định vãn cảnh chùa:
-Nên mang giày thể thao để tiện lợi trong việc di chuyển
-Lựa chọn trang phục lịch sự, thoải mái phù hợp
-Có thể mang theo tiền lẻ để quyên góp, cầu may mắn cho gia đình, bản thân và bạn bè
-Mang ô nếu đi vào dịp đầu xuân, bởi lúc này thời tiết thường có mưa phùn
7.Những địa điểm du lịch Ninh Bình gần Bái Đính Tràng An
Nếu bạn đi du lịch Ninh Bình dài ngày thì nên đi thêm các điểm đến hấp dẫn khác như: Tam Cốc – Bích Động, Cố đô Hoa Lư, núi Non Nước, vườn quốc gia Cúc Phương, nhà thờ đá Phát Diệm, suối nước nóng Kênh Gà, khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long. Đây đều là những địa điểm du lịch Ninh Bình nổi tiếng, hấp dẫn rất nhiều du khách trong nước và quốc tế.
8. Bến thuyền Thung Nham
Đến bến thuyền Thung Nham, du khách sẽ được ngồi trên những chiếc thuyền nan, len lỏi trong khu rừng ngập nước, hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên sông nước với hai bên là những hàng cây hoa lau, sậy trắng tựa vào những dãy núi đá vôi trùng điệp phủ một màu xanh ngát. Sau khoảng 30 phút chèo thuyền, một khung cảnh kỳ vĩ sẽ hiện ra trước mắt du khách với một đảo nhỏ còn nguyên sinh. Nơi đây là nơi làm tổ quan trọng của nhiều loài chim nước, điển hình là: cò, diệc, vạc,… Khi hoàng hôn xuống bóng, từng đoàn chim đi kiếm ăn bay về đây trú ngụ qua đêm. Chúng bay về đậu chật kín khu đất ngập nước ở trong thung, tạo thành một cảnh quan sơn thủy độc đáo. Đây chính là vẻ đẹp đặc trưng nhất của Thung Nham mà chẳng nơi nào có được.
9. Tam Cốc – Bích động
Đây được coi là “Nam thiên đệ nhị động”. Tam Cốc có 3 hang là hang Cả, hang Hai và hang Ba. Tam Cốc – Bích động là địa điểm du lịch nổi tiếng và lâu đời nhất của Ninh Bình.
10. Nhà thờ Phát Diệm
Đây là nhà thờ đá trên 120 năm tuổi, làm hoàn toàn từ đá và gỗ lim, được mệnh danh là kinh đô Công giáo của Việt Nam. đây cũng là quần thể nhà thờ Công giáo được đánh giá là đẹp nhất Việt Nam, với thời gian xây dựng suốt 30 năm. Tuy là nhà thờ Công giáo, kiến trúc nhà thờ đá Phát Diệm lại mô phỏng theo những nét kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam với vô số mái cong hình mũi thuyền.
Như vậy là Rong Ba Travel đã giới thiệu cho bạn về những địa điểm du lịch nổi tiếng tại Tràng An Bái Đính Ninh Bình rồi, nhưng khuôn khổ bài viết có hạn, chúng tôi không thể giới thiệu chi tiết tỉ mỉ tới đường tơ kẽ tóc được. Bạn có thể tham khảo các tour du lịch Tràng An Bái Đính trọn gói 1 ngày hoặc 2 ngày 1 đêm để được các hướng dẫn viên giới thiệu chi tiết nhất về các hang động, đền đài, cùng những sự tích ẩn sau tại Tràng An và tham quan những tượng Phật, bảo tháp, chuông đồng đạt nhiều kỷ lục Viêt Nam và Đông Nam Á ở chùa Bái Đính nhé!
11.Những đặc sản Ninh Bình nhất định phải thử khi đi Bái Đính Tràng An
Ninh Bình là thành phố nổi tiếng với rất nhiều đặc sản địa phương độc đáo và lạ mắt. Ở khu Bái Đính Tràng An cũng có rất nhiều nhà hàng để bạn lựa chọn. Bởi vậy khi đến đây, đừng bỏ lỡ những đặc sản Ninh Bình nổi tiếng, đặc biệt là món cơm cháy và dê núi nổi danh nhé. Tuy nhiên khi mua đồ ăn uống hay đồ lưu niệm bạn nên hỏi kỹ giá để tránh tình trạng bị chặt chém ở các khu du lịch Ninh Bình.
Tại khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính có nhà hàng Cao Sơn hoặc Thăng Long khá ngon và giá vừa phải, bạn có thể tham khảo 2 nơi này.
Cơm cháy:
Là đặc sản nổi tiếng nhất Ninh Bình, cơm cháy luôn là list nhắc đến đầu tiên những món ăn bạn nên thử khi đến đây. Cơm cháy đặc biệt từ cách chiên cho đến phần nước sốt đi kèm, giòn bùi béo nhưng lâu bị ngán.
Thịt dê:
Thịt dê là 1 trong những món nhất định phải ăn khi đến Ninh Bình. Thịt dê được chế biến vô vàn nhiều cách như: tái dê, dê hấp, dê nướng, nem dê… thịt dê mềm mềm, lại được khéo léo chế biến với các gia vị đặc trưng, ăn đến đâu là nhớ ngay đến đó.
Xôi trứng kiến:
Đúng với cái tên, xôi trứng kiến được nấu từ trứng của loài kiến nâu, có nhiều ở vùng núi đá vôi lởm chởm thuộc huyện Nho Quan, Ninh Bình. Mùa trứng kiến không nhiều, chủ yếu vào tháng 2 âm lịch nên nếu có cơ hội hãy đến thưởng thức ngay. Xôi dẻo thơm quyện với trứng béo bùi bùi cùng hành khô phi thơm lừng là món ăn đặc biệt khiến bạn sẽ nhớ mãi.
Bánh đa cá rô:
Vùng núi đá vôi ven đồng chiêm trũng ở Ninh Bình có cá rô rất ngon, thế nên món bánh đa cá rô ở đây là một trong những món ăn nên thử khi ghé tới Ninh Bình.
Gói cá nhệch:
Ở Ninh Bình, bạn có thể thưởng thức món này ở nhiều nơi. Cá được chọn làm gỏi phải là những con cá tươi ngon, được sơ chế và tẩm ướp thật khéo léo để làm hết mùi tanh, tạo nên hương vị đặc biệt, hòa lẫn với vị bùi của gạo nếp rang, vị chua của dấm, vị cay của gừng, tiêu, sả, ớt trong nước chấm.
Chim Tràng An:
Nghe kể từ xa xưa rất nhiều món ăn tiến vua là các món được chế biến từ chim trời. Thịt chim thiên nhiên rất giàu chất dinh dưỡng, lại tươi ngon mà vẫn giữ được hương vị tự nhiên rất lấy được lòng khách.
Ốc núi:
Ốc núi không phải là món ăn phổ biến ở Ninh Bình và không phải ai đi du lịch Ninh Bình cũng từng được thưởng thức món ăn này. Loại ốc này thường chỉ có ở khu vực núi đá vôi thuộc thị xã Tam Điệp, Yên Mô, Nho Quan, Ninh Bình vào mùa mưa. Thịt ốc núi khác biệt bởi độ dai, giòn, ngọt, khi được chế biến thành các món như hấp gừng, xào sả ớt,… hòa lẫn với gia vị lại càng trở nên ngon hơn. Vì vậy, hãy thưởng thức ngay khi có cơ hội bởi loại ốc này chỉ vào mùa mới có.
Những điều cần lưu ý khi tham quan Bái Đính Tràng An
Vì sẽ phải leo núi, leo chùa nhiều nên bạn hãy đi những đôi giày thể thao thoải mái thay vì đi giày cao gót hoặc giày búp bê để bảo vệ đôi chân của bạn cũng như tiện cho việc di chuyển. Nên chọn những bộ đồ lịch sự khi vào chùa, các bạn nữ không nên mặc váy ngắn, hở hang, nhằm tránh để lại hình ảnh không đẹp tại chốn linh thiêng thờ tự, quần áo thoải mái không nên mặc đồ bó sát, không thấm mồ hôi.
Tại khu chùa Bái Đính có rất nhiều các gian hàng bán đồ lưu niệm cũng như đặc sản hấp dẫn, tuy nhiên giá trên núi trường cao hơn bên ngoài rất nhiều. Nếu mua đặc sản về làm quà bạn nên xuống chân núi tìm mua giá sẽ rẻ hơn.
Dịp đầu xuân thường có mưa phùn lất phất nên bạn hãy mang theo một chiếc ô gấp nhỏ dự phòng
Rong Ba Travel biết là nhiều người khi đi lễ chùa thường có thói quen mang theo chút tiền lẻ để công đức. Tuy nhiên bạn không nên bỏ tiền lên các tượng phật làm mất mỹ quan khu chùa mà hãy để đúng vào các hòm công đức nơi đây.
Nên hỏi kĩ giá trước khi ăn uống, mua đồ lưu niệm hay sử dụng các dịch vụ nào ở Tràng An. Đối với bất kì điểm du lịch Ninh Bình nào bạn cũng nên hỏi giá trước để tránh tình trạng “chặt chém”.
Nếu bạn đi du lịch Ninh Bình vài ngày và muốn tìm khách sạn để nghỉ ngơi thì nên đặt phòng trước từ 2 tuần đến 1 tháng trước khi đi để chủ động được về thời gian.
Trước khi mua hàng hay sử dụng bất cứ dịch vụ gì thì nên hỏi giá, không ngại mặc cả, thỏa thuận giá hợp lý.
Tại điểm du lịch Tràng An – Bái Đính không mua hàng từ những người dân chèo kéo, đeo bám, bán hàng rong, cò mồi.
Không cho tiền, bánh kẹo trẻ em ăn xin, bán hàng rong.
Đối với những thợ ảnh, nếu đồng ý chụp thì nên hỏi giá cả, nếu không muốn chụp thì thôi tránh bị làm phiền.
Khi kết thúc đi thuyền du khách nên thưởng cho người lái đò (khoảng 20.000 – 50.000) để ủng hộ người dân địa phương.
Chùa Bái Đính là một trong những di tích tâm linh được nhiều người ưu ái ở vùng đất Ninh Bình. Không chỉ là nơi gắn liền với những tích xưa cũ về những ngày đầu đạo Phật du nhập vào nước ta, chùa còn sở hữu vô vàn những công trình có ý nghĩa cùng cảnh sắc hùng vĩ, thơ mộng. Nếu có dịp về với Ninh Bình vào những ngày đầu năm mới, đừng bỏ lỡ cơ hội được vãn cảnh Chùa Bái Đính bạn nhé!